Miền thương nhớ

DSCN4018

Thỉnh thoảng qua nhà chị, mình lại bắt gặp những món ăn mà lâu lắm lắm rồi mẹ mình hay nấu, ví như món Cá nục kho thơm này nè. Ngày xưa trong bếp nhà mình bao giờ cũng có nồi cá nục kho. Con cá nục suông thì kho keo, con cá nục xồ thì kho thơm, con cá nục đốm thì nấu mẳn, con cá nục hấp thì chiên trước cho rám mình rồi kho ớt bột thiệt cay… Nồi cá này dứt là có nồi cá khác gối đầu, quanh năm như vậy … Thế nên con cá nục nó gần gũi với mình ghê lắm.

Vậy rồi mình đi lấy chồng. Nhà chồng không ăn cá biển, chỉ ăn cá trắm, cá chép, cá bông lau nuôi ở sông hồ nên mình dần dần mất đi một số món ăn quen. Nhiều lúc muốn kho nấu lại ngại ngần, nghĩ tới cách gẩy gẩy đũa, ăn lấy lệ miếng cá biển kho rồi đứng lên pha trà không nói câu nào mình lại thôi. Cái người ăn được mình cũng ăn được, còn cái mình ăn được chắc gì người đã mặn mà muốn ăn. Thôi thì vô bếp, làm sao cho cả nhà cùng vui thì làm…

cá kho

Làm dâu, làm vợ, làm mẹ, mọi thứ cuốn vùn vụt. Thời gian đầu còn quay quắt, rồi từ từ cũng thôi, đến một lúc nhận ra cái vị ấm nồng của nồi cá kho ủ trong bếp chẳng giữ cũng tan tự bao giờ. Một sớm mai kia qua chị, đứng sững nhìn dĩa cá nục vàng ươm chị kho, miệng cười cười mà nước mắt muốn rơi. Nghẹn ngào nhớ ra hình như hơn 10 năm rồi mình không tự tay kho nồi cá nục nào nữa, dù mỗi lúc giỗ chạp, tết nhất về nhà, vẫn vô bếp lục tìm nồi cá nục mẹ để liu riu. Nói đơn giản thì thói quen của mình đã tự đổi thay và chọn lọc lại, còn nói hơi nặng lòng thì mình đã dần dần bỏ quên một (hoặc nhiều) niềm vui mà trước kia mình cứ ngỡ sẽ theo mình mãi mãi, thậm chí còn nghĩ nếu mình có con gái, nó sẽ tiếp tục tồn tại qua bàn tay con gái mình – như mình đã nhận lấy từ đôi bàn tay mẹ…

Trưa nay ra chợ thấy người ta mới xuống một thúng cá bạc má còn tươi roi rói, mình quyết định mua một ký đem về kho thơm. Cá bạc má mình ngắn và dẹp, không chắc lẳn như con cá nục nhưng thịt rất thơm, nếu kho lên ăn cũng giống giống cá nục vậy. Chỉ tiếc là không có thêm dĩa dưa cải muối chua giống bên nhà chị để chấm nước cá cho đúng kiểu miền Trung.

DSCN4010

Nói cho cùng, ai cũng có một miền thương nhớ trong lòng. Miếng cơm, con cá, dĩa rau, trái cà … nó là một góc gia đình mình, can cớ gì phải bỏ đi khi lòng mình không thể bỏ. Phải không?

Chè bắp nếp

chè bắp 6

Hôm qua, mình được một cô giáo đồng nghiệp gửi cho 6 trái bắp nếp vừa bẻ ngay trong vườn nhà. Bắp đầu mùa, nhựa còn đang đọng, vỏ thì xanh mượt, hạt mây mẩy, căng mọng sữa trắng bên trong. Bẻ lớp vỏ ra, cứ thế vừa nhặt mớ râu bắp mịn như nhung vừa ít hà hương bắp nếp ngọt ngọt, thơm mát thật thích. Bắp sữa thế này thì chỉ muốn luộc lên ăn ngay cho nóng, nhưng đã hứa với cô “để chị nấu chè rồi ghi công thức lại cho” nên 10h tối còn ngồi xát bắp nấu chè thế này đây 🙂

Mình nấu chè bắp theo kiểu người Huế, tức là bắp phải xát mỏng rồi nấu với nước cốt dừa, lá dứa và một ít nếp còn trong này – tức là nơi đang sống – người ta nấu chè bắp để nguyên hột, nấu chín tới rồi thêm đường và nước sôi, sau đó khuấy chè với bột năng hoặc bột sắn dây cho bột trong lên như kiểu chè hoa cau vậy. Nhìn chén chè bắp trong veo loáng thoáng cả mấy sợi râu bắp cũng ngộ ngộ, nhưng ăn thì mình không thích lắm. Chắc có lần rủ nhau đi ăn chè, nghe mình kể về chè bắp kiểu Huế nên cô để tâm đây mà ! ^^

Cách nấu:

– 500gr bắp tươi đã xát mỏng (6 trái bào được hơn 500gr một chút, mình ghi 500gr cho dễ hình dung)
– 500gr dừa nạo
– 200gr đường cát trắng
– 2 muỗng canh sữa đặc có đường
– 2 muỗng canh bột năng (bột đao)
– Một nắm nếp thơm, vài cọng lá dứa và một chút muối

1. Nấu 2 lít nước sôi, cho dừa nạo vào nồi to, đổ 500ml nước sôi, vắt lấy nước cốt dừa, để riêng ra tô.

2. Cho tiếp xác dừa vào nồi, đổ thêm 1 lít nước sôi, vắt lấy nước dão (1), để riêng ra tô khác.

3. Lại cho xác dừa vào nồi, đổ thêm 500ml nước sôi, vắt lấy nước dão (2), cũng để riêng.

4. Vo sạch nếp, cho vào nồi nhỏ, nêm vào 1/3 mcf muối và 1 bó lá dứa nhỏ rồi đổ hết 500ml nước dão dừa (2) vào, nấu chín như cháo đặc. Vớt bỏ lá dứa.

5. Bắp sau khi xát mỏng, cho vào nồi cùng 1 lít nước dão dừa (1), nấu lửa vừa, vừa nấu vừa khuấy đều tay cho đến khi bắp chín mềm, trong veo là đạt.

* Lưu ý: Bắp đã xát và nước dừa rất dễ cháy hoặc khê nên không được tự ý “giao nồi cho ông táo”, phải khuấy liên tục nên sẽ hơi mỏi tay 😀

6. Khi bắp đã chín mềm, cho hết 150gr đường cát vào nồi, khuấy vài vòng cho đường tan ra rồi nêm thêm 2 muỗng canh sữa đặc. Sữa làm cho chè sau khi nấu, để nguội sẽ thơm lừng mùi sữa bắp, rất hấp dẫn.

* Lưu ý: Với 150gr đường và 2 muỗng canh sữa đặc thì chè CHỈ VỪA ĐỦ NGỌT thôi, muốn ngọt hơn nên tự thêm đường cho vừa khẩu vị.

7. Khi đường đã tan hoàn toàn thì cho hết nếp đã nấu chín vào, nấu sôi trở lại. Nếu thấy chè đặc thì nêm thêm một chút nước lọc.

8. Cho 1 muỗng canh bột năng vào 1/2 chén nước nguội, khuấy thật đều tay cho bột tan hoàn toàn, nêm thêm 1/3 mcf muối vào chén bột rồi từ từ rót hết bột vào nồi chè đang nấu.

9. Vặn nhỏ lửa, khuấy đều tay đến khi bột chín kỹ thì tắt bếp.

10. Nấu nước cốt dừa: Cho vào nồi nước cốt dừa 50gr đường + 5gr muối tinh (1 muỗng cà phê gạt ngang mặt) +1 muỗng canh bột năng và vài nhánh lá dứa, khuấy đều tay để nước cốt dừa không bị lợn cợn “óc trâu” – Khi nước cốt đã sánh lại, sôi lục bục chừng 3-5 phút là xong.

Múc chè ra chén, chan thêm 1 muỗng cốt dừa lên trên. Với mình, chè bắp ăn nguội bao giờ cũng ngon hơn ăn nóng.

TẬP CHỤP HÌNH

Nấu chè thì dễ ẹc mà chụp hình thì khó trần ai !!! Mình đang thử tìm cách chụp hình sao cho ổn vì mình luôn phải chụp hình trong bếp vào buổi tối, hoàn toàn thiếu ánh sáng tự nhiên, lại chỉ có mỗi đèn tuýp ánh sáng trắng nên hình hay bị tái tái, nhợt nhạt. Giá mà tìm ra cách chụp ảnh có nước màu vàng nâu ấm áp thì tốt quá … Mình dùng máy ảnh Nikon Coolpix p510, máy tốt nhưng là dòng máy compact thôi, không lắp thêm lens được. Mong có ai biết thì chỉ cho mình thêm kinh nghiệm hoặc gợi ý cho mình cách chụp với nhé. Mình cám ơn rất nhiều.

1.

chè bắp 1

2.

chè bắp 3

3.

chè bắp 2

4.

chè bắp 5

5.

chè bắp 7

 

Bánh giò

lá chuối

Mình chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ gói bánh giò bởi vì hồi nào giờ mình không thích món này, có ai mời thì cũng chỉ ăn chơi vài muỗng, một cái còn chả hết … Vậy mà hôm qua mình làm ra 18 cái bánh giò – 12 cái gói lá to tướng và 6 cái bánh giò cho vào cốc thuỷ tinh…!?

Nói vì bánh chị gói đẹp quá nên mình ham làm theo cũng không đúng.

Nói vì lâu quá chưa ăn nên tự nhiên mình thèm cũng không đúng.

Nói vì con trai thích nên mình chịu cực ngồi gói cũng không đúng.

Chả biết phải giải thích vì sao. Hình như, nấu ăn không chỉ là nhu cầu hay trách nhiệm. Với mình, nó là một cách giải tỏa stress. Mình nghiệm ra mỗi khi có điều gì phiền muộn hay lo lắng không yên, mình lại thích được ngồi một mình suốt đêm với bếp như người ta thường ngồi tâm sự với nhau ở quán cà phê …

bánh giò 3

Bánh giò lần này rất ngon. Bột rất vừa và nhân thì thơm mùi hành tiêu, lại còn “bổ sung” thêm 1/4 cái trứng gà luộc cho nó ra đúng kiểu bánh giò Sài Gòn chị gói bên nhà. Ấy vậy mà con trai ăn xong bảo “sao bánh mẹ  gói không cứng cứng giống bánh mua ngoài hàng?” (ý chừng, cậu chàng thích cái bột bánh mềm nhưng vẫn “giòn” như bánh chợ…??? )

bánh giò

bánh giò 2

Mình nghĩ nếu không trộn hàn the thì dù có trộn bột gạo, bột năng thế nào nó cũng chỉ đặc – lỏng hơn chút chứ không có cái kiểu “giòn” như chợ được. Là nghĩ vậy thôi, chứ nếu có ai có cách trộn bột ra đúng kiểu bánh giò “giòn” mà vẫn an toàn, không phải dùng thêm phụ gia thì chỉ mình với, mình cám ơn rất nhiều.

Cách làm bánh giò mình học mỗi người một ít. Đến giờ thì thấy cách pha này ngon nhất (so với công thức bánh giò của chị, hình như mình pha bột đặc hơn chị một chút thì phải)

Bột bánh

– 400gr bột gạo (Tài Ký/ Vĩnh Thuận gì cũng được)
– 100gr bột năng
– 2 lít nước hầm (gà/heo)
– Gia vị nêm: 3 muỗng canh dầu ăn + 3 muỗng cà phê bột nêm + 1 muỗng cà phê bột ngọt

bột bánh giò

Sau khi có 2 lít nước hầm xương từ xương gà hoặc xương heo thì đổ nước hầm qua rây để lọc sạch xương vụn, bọt …, chờ nguội thì nêm dầu ăn và gia vị vào. Nếm thử thấy dùng nhạt hơn nước canh chút xíu là vừa ngon.

Trộn đều bôt gạo, bột năng trong 1 cái tô to rồi từ từ cho vào nồi nước hầm. Dùng muỗng gỗ khuấy cho bột tan hết trong nước, đổ qua rây chừng 2-3 lần cho bột thật mịn và hòa quyện.

Để bột nghỉ chừng 2h cho bột ngậm nước hoàn toàn. Sau khi ngâm bột, lắc bột đều rồi cho lên bếp, khuấy liền tay cho đến khi bột từ từ đặc lại và có màu trắng đục, sôi nhẹ trên bếp thì tắt lửa.

Dùng đũa cả đánh bằng tay hoặc lắp chân xoắn chuyên đánh bột vào máy đánh trứng, để mức trung bình, đánh chừng 10 phút cho bột trong nồi sánh mịn và thật nhuyễn là được.

* Chỗ bột này mình gói được 18 – 20 cái bánh giò cỡ lớn.

Phần nhân (20 phần nhân)

– 450gr thịt heo bằm nhuyễn (chọn thịt nạc dăm để có chút mỡ cho ngon)
– 100gr nấm mèo khô
– 5 quả trứng gà/vịt hoặc 20 trứng cút
– 50gr hành tím
– 1 củ hành trắng (hành tây)

– Gia vị: 1 muỗng cà phê bột ngọt + 1 muỗng cà phê bột nêm + 2 muỗng cà phê nước mắm + 2 muỗng cà phê tiêu bột.

nhân bánh giò

Nấm mèo rửa sạch ngâm nước sôi cho nở mềm, băm nhuyễn.

Hành tây, hành tím băm nhỏ

Trứng luộc chín, bóc vỏ. Nếu dùng trứng gà/vịt thì sau khi luộc cắt trứng làm tư.

Trộn đều thịt + hành + nấm + gia vị rồi cho lên bếp xào qua cho chín tới.

Gói bánh:

Lá chuối rửa sạch, tước thành từng lá to bản chừng 15 – 20cm, trụng qua nước sôi cho mềm rồi lau khô.

Xếp 2 lá chuối áp lưng với nhau rồi xoắn thành 1 cái chóp tam giác.

Múc 1 muỗng (canh) đầy bột cho vào, dùng một muỗng nhỏ khác dàn đều bột và 1/2 thành bánh.

Múc tiếp 1 muỗng (canh) nhân xào đổ vô, cố gắng tém gọn nhân không để nhân lem ra thành bánh, bỏ vô 1 quả trứng cút hoặc 1/4 trứng vịt/gà, bên trên múc thêm 1/2 muỗng nhân xào.

Trên cùng là 1 muỗng (canh) đầy bột, dùng muỗng nhỏ kéo dàn đều bột che hết nhân.

Gấp đều 4 góc bánh để tạo thành 1 hình chóp rồi dùng dây cột lại cho chắc là xong.

(Cái này ai chưa gói bao giờ chắc vô youtube hoặc qua chị Danh coi cái clip gói bánh giò chị giới thiệu cho nhanh 😀 )

Mình vốn vụng gói, thêm lá chuối to bản nhưng lại rách te le, xoay mặt nào cũng bị bục nên gói vô cùng khổ sở, chả ra cái kiểu gì cả. Mà bi kịch nhất là mình không biết cột dây làm sao cho gọn nên cứ quấn dây tùm lum tà la, mỗi cái mỗi kiểu, miễn nó giúp mình giữ yên lá chuối và không làm bục bánh ra là tốt rồi. :))))

bánh giò 4

Mang bánh đi hấp hoặc luộc 30 phút thì bánh chín.

Bonus thêm mấy “ly bánh giò”

bánh giò 7

Gói được 12 cái bánh giò thì mình chịu thua, bột với nhân còn nhiều, lá cũng còn nhưng mà nó nát nên không có cách chi mà gói thêm được. Chợt nhớ lúc vô nhà chị Danh coi lại cái tỉ lệ trộn bột của chị, thấy Thu kể có làm bánh giò trong chén vì lười gói nên chợt nghĩ tới cách làm “bánh giò lười” của 1 bạn có nick là Chè Búp (Home sweat home) trên facebook và thực hành theo luôn.

Với chỗ bột và nhân còn dư, áng chừng sẽ được 5-6 cốc nên mình chọn lấy 6 cái cốc thủy tinh lùn lùn mập mập cho dễ làm.

bánh giò ly

Cắt 12 miếng lá chuối tròn vừa bằng đáy cốc và 6 dải lá chuối dài đủ quấn quanh thân cốc.

Lót 1 miếng lá chuối xuống đáy – quấn tiếp 1 vòng lá chuối lọt quanh ly – cho 1 muỗng bột – 1 muỗng nhân – 1 muỗng bột – dàn đều rồi lấy miếng lá chuối tròn đậy lên trên.

Xong!

Có thêm 6 cốc “Panna cotta” lá chuối rất nhanh ^^ – cám ơn Thu đã giúp mình nhớ ra vụ bánh giò trong chén và bạn Chè giúp mình thực hiện 🙂

Bánh giò ly ăn ngon không kém bánh giò gói, nhưng hấp nhanh hơn nhiều, chỉ chừng 20 phút là chín, lại đỡ tốn công ngồi gói lá. Chỉ phải tội con mình cứ “không giống bánh giò” thì nghĩ không ngon nên bánh giò gói phần riêng cho con ăn, bánh giò ly mình mang lên trường để ăn sáng + ăn trưa và mời bạn bè nếm thử cho vui … 🙂

bánh giò 6

_______________

Tham khảo:

– Cách gói bánh giò rất dễ hiểu: http://afamily.vn/an-ngon/cong-thuc-banh-gio-lam-la-chuan-an-la-me-20140323113758783.chn

– Phần pha bột bánh giò của Mulan: http://mulanbepnha.blogspot.com/2014/02/banh-gio.html

Thịt kho đậu khuôn

Bình thường mình ít khi đưa mấy món ăn mỗi ngày kiểu thịt kho đậu khuôn hay rau xào vô blog vì nghĩ nó dễ quá, nhanh quá, nấu hoài có gì mà đưa !!! Nhưng vì chị Danh hồi lâu lâu rồi có đưa cho mình xem một thố thịt kho đậu chị chụp bóng nhoáng mỡ màng, vàng ươm óng ánh, lại còn ghẹo mình chắc bộ hình này mình thích vì cứ hình nào mà chụp rõ nét … từng cục thịt, cục đậu là mình khoái làm mình cười ngất. Mình đâu có ham ăn đậu ăn thịt đâu, nhưng mắt mình kém lắm, cận 5 độ, thêm 3,5 độ loạn nên hình nhỏ nhỏ mình nhìn hông ra, vì vậy lần nào chị mang ra khoe cả series hình rồi hỏi mình thích hình nào, y như rằng mình chọn hình nào to to rõ rõ mình gật 😀

Trở lại cái … thố thịt kho, nói thiệt là mỗi khi chị Dinh chụp món gì mà set up màu nâu là mình bị thôi miên liền. Mình ưa những gam màu trầm nên sau khi xem hình thố thịt của chị mình liền… rắp tâm chụp theo chị cho vui. Hình mình chụp có cố gắng đến mấy cũng không đẹp được như hình của chị, nhưng kệ, nếu sợ xấu mà không chịu chụp thì biết bao giờ mới khá … ^^

thịt kho đậu khuôn

thịt kho đậu khuôn và bông bí xào

Kết lại mùa bánh trung thu

mooncake season-10

Khi viết cái note nhỏ này, mình cứ tần ngần, không biết nên viết “Kết lại mùa bánh” hay “Kết lại mùa vui” ???

Trong lòng, mình muốn dùng cụm từ “mùa vui”, bởi lẽ hơn 20 năm rồi mình mới lại trở về cái thời tíu tít rộn ràng với bánh, với đèn, với nến và những hộp quà tỉ mẩn làm rồi cẩn trọng gửi đi thay lời tri ân, gửi gắm, sẻ chia …

“Mùa vui” – bởi lẽ mùa trung thu năm nay mình không còn cảm giác đơn độc. Sau một ngày miệt mài công việc, chỉ cần bỏ sách xuống, cầm khuôn bánh, bột đường lên là mình tìm thấy nụ cười ấm áp của chị dù mình và chị chỉ có thể chia sẻ tốc hành trên inbox hay rối rít đôi cuộc gọi bất ngờ giữa đêm khuya… Với chị, chắc mình sẽ khó nói được nhiều, chỉ biết trong lòng mình, chị chính là người chị mình thầm ước ao có được từ tấm bé để khi buồn vui có thể tựa vào …

“Mùa vui” – bởi lẽ bên mình luôn có bạn. Bạn không nói nhiều nhưng bất kỳ lúc nào mình cần chỉ cần hỏi là bạn nhẹ nhàng giúp đỡ. Phải chọn khuôn gì cho hợp túi tiền? Vì sao nhân sen lại cần sên bột mì nhiều hơn nhân đậu? Ở đâu bán túi giấy, bao bì…? Mọi câu hỏi của mình bạn đều kiên nhẫn trả lời. Biết mình lần đầu làm bánh không quen, bạn còn gạt bớt công việc đi mua giúp mình từng li từng tí. Gói bột bánh dẻo, chai rượu mai quế lộ, lạng hạt dưa, túi mứt gừng, mứt bí, hay lọ hương bưởi cũng một tay bạn mua cho rồi gói lại gọn gàng để mình đỡ rối. Đến giờ, mình vẫn chưa mời bạn được miếng bánh nào nhưng mỗi khi nản vì bánh hỏng, chỉ cần nhớ tới nụ cười và câu nhắn động viên của bạn “khi nào cắt bánh, cho mình ăn với nhé” mình lại có quyết tâm làm lại cho đạt mới thôi …

mooncake season-9

“Mùa vui” – bởi lẽ mình có mẹ, có em, có 1 gia đình luôn yêu thương, luôn làm điểm tựa tinh thần và biết đưa tay nắm lấy tay mình đúng lúc giúp mình vượt qua mệt mỏi.

“Mùa vui” – bởi lẽ mình có anh – người cất giữ tất cả suy nghĩ, ước mơ hay động lực sống của mình.

… Và còn nhiều, nhiều nữa những chị, những bạn, những em giỏi giang và luôn nhiệt tình chia sẻ cho mình từng công thức để mình học hỏi.

Bằng từng ấy tình cảm, thì mùa vui năm nay hẳn phải là mùa đẹp, hay ít ra, là một mùa riêng mang lại bình an. Thế nên dù tận sâu trong lòng mình, mình vẫn biết mùa vui này chưa trọn nhưng mình vẫn muốn được cám ơn tất cả mọi người. Mong rằng trung thu năm nay sẽ là mùa bánh khởi đầu và bắt nhịp cho những mùa vui…

bánh trung thu

(Kết thúc mùa bánh trung thu – 9/2014)

Bánh thập cẩm (của người bận rộn)

mooncake season 2014-1

Mình những tưởng trung thu của mình sẽ là lúc thảnh thơi uống trà, nhâm nhi miếng bánh thập cẩm yêu thích làm đầu tay.

Mình những tưởng trung thu của mình là những tấm hình có bánh nướng vàng ươm, có hương sen thanh mát, có ánh đèn lung linh; hoặc ít ra cũng sẽ có những chiếc bánh tươm tất nằm gọn gàng trong hộp đỏ đính nơ đàng hoàng.

Mình những tưởng trung thu của mình là lúc cùng con ngồi thắp lồng đèn, kể lại chuyện buồn vui ngày trước.

Nhưng không phải!

Trung thu thật sự của mình là những ngày vội vã đến trường rồi miệt mài với lò – khuôn – túi giấy đến tận đêm khuya.

Trung thu thật sự của mình là những buổi chiều mưa ào đến đón con rồi lại cùng con ào ra chợ, mua thêm nào đậu, nào bột nào mứt, nào đường … Oằn tay nặng trĩu.

Trung thu thật sự của mình là những khuôn hình chụp vội lúc nửa đêm về sáng hay khi trời nắng chang chang nên thiếu sáng, thừa nhòe.

Dù bánh nướng thập cẩm là món bánh mình muốn làm thật ngon, muốn chụp hình thật đẹp, muốn có một cai “back ground” được set up dàng hoàng. Nhưng chuối cùng …

mooncake season 2014-4

Bánh Thập cẩm cho người bận rộn chỉ có thể là một buổi chiều tí tách mưa, tranh thủ ít phút trước lúc đón con vào giờ tan học, ta chụp vội lấy mấy tấm hình. Lấy yên xe đi lại mỗi ngày làm cái background, lấy tường rêu xám xanh làm nhòe đi vết nứt, lấy giỏ xe sủng nước làm tạm … bokeh, và lấy thước kẻ đi dạy chèn vào để đỡ chênh vênh!

Có sao đâu nhỉ, khi mình thực sự yêu việc mình làm và luôn cố hết mình cho những đam mê 🙂

mooncake season 2014-7

CÔNG THỨC LÀM NHÂN BÁNH NƯỚNG THẬP CẨM

Nhân bánh thập cẩm là một công thức linh động, vị mặn ngọt, béo giòn nhiều hay ít là tùy sở thích của từng người. Với mình, mình thích nhân bánh thập cẩm phải hòa quyện được mùi vị của lạp xưởng, lá chanh, các loại mứt, hạt vào với vị béo của mỡ đường để dậy mùi “thập cẩm” nhưng lại lại không quá ngọt, cũng không được rời rạc hay cứng quá. Thế nên khi trộn nhân thập cẩm thường mình hay bớt mứt sen, mứt bí, tăng thêm mứt chanh, mứt gừng. Với các loại hạt, mình chỉ thích hạt dưa và mè đen – mè trắng, không thích hạt điều, hạt dẻ nên hạn ché cho vào.  Vì thế, lượng nguyên liệu bao nhiêu không nhất thiết phải theo một “chuẩn” nào cả, miễn là nó phải cân bằng giữa ngọt và mặn, béo và giòn. Nhiều lạp xưởng và thịt chà bông (hay giăm bông / gà quay / xá xíu …) quá thì nhân bị mặn, nhiều mứt quá thì bị ngọt …

Để có 1 kg nhân thập cẩm, mình thường trộn nhân với tỉ lệ 30 % nhân mặn -30% nhân ngọt  – 40 % nhân béo và các loại hạt.

– 200 gr lạp xưởng (đã luộc chín, cắt hạt lựu)

– 100gr thịt chà bông (loại nhạt)

– 200 gr mỡ đường

– 100 gr mứt gừng dẻo (cắt nhuyễn)

– 130 – 150 gr mứt vỏ chanh (cắt nhuyễn)

– 50gr mứt bí (cắt nhỏ)

– 50gr mứt sen (cắt nhỏ)

– 100gr hạt dưa

– 50- 70 gr mè (trắng/đen)

– Một nắm lá chanh tươi (hơn chục lá vừa ) cắt nhuyễn

– 30 – 50 gr bột bánh dẻo

Tất cả các nguyên liệu đều cắt nhỏ. Muốn nhân không bị rời rạc thì phải cắt các nguyên liệu càng nhỏ càng tốt. Mình thì sau khi cắt nhỏ từng món, mình trộn tất cả vào tô lớn rồi trộn đều, sau đó cho vào máy xanh khô, xay nhanh qua vài vòng để nhân bị cắt nhỏ hơn chút nữa.

nhân thập cẩm

Trộn nước sốt:

– 20gr rượu mai quế lộ

– 20gr corn syrup (mình dùng luôn nước đường bánh dẻo thay cho corn syrup)

– 10 gr black soy sauce

– 1 mcf bột ngũ vị hương

– 1 mcf dầu mè nguyên chất

1/ Trộn đều tất cả nguyên liệu nước sốt trong 1 tô nhỏ, để riêng.

2/Trộn nhân đều rồi từ từ cho từng ít nước sốt vào cho đến khi các loại nguyên liệu có thể kết dính thì ngưng.

3/ Cho bột bánh dẻo vào rây, rây bột từng chút vào nhân bánh, vừa rây vừa trộn. Khi nào cảm giác tất cả nguyên kiệu kia bóp lại sẽ dính đều vào nhau là ngưng.

4/ Để nhân nghỉ ngơi 30 phút là có thể vo nhân được.

nhân thập cẩm 1

Nhân bánh thập cẩm rất chắc nên bắt bánh và đóng bánh rất dễ, khi nướng cũng không bị mất form, phù chân nhưng nướng xong thời gian để bánh mềm sẽ lâu hơn bánh nhân nhuyễn nên ưu tiên làm bánh TC trước, bánh nhân nhuyễn sau 1 ngày để bánh “chín” cùng lúc.

bánh trung thu 1

(Bánh nướng thập cẩm loại mini 50gr)

Bánh trung thu Tiramisu nhân cream cheese

tiramisu_mooncake

Với một người nghiện và yêu cà phê tới mức uống cà phê buổi tối cho dễ ngủ như tôi thì việc lần đầu tiên nhìn thấy chiếc bánh trung thu Tiramisu vỏ màu nâu bóng mượt mà, nhân trắng muốt bên trong của Movenpick đã bị hạ gục ngay lập tức là chuyện đương nhiên! Sau những ngày trầy trật làm bánh cơ bản với nhân đậu xanh nhuyễn cho quen tay, quen lò, quen bột tôi liền lên mạng lục tung từng trang web để tìm hiểu về chiếc bánh Trung thu Tiramisu. Hình thì nhiều, bánh thì đẹp, cao cấp cũng có, homemade cũng có nhưng không có công thức! Ôm một sự tiếc nuối và ấm ức đến than thở với chị Danh, chị cười hiền, nói “Em ơi, là hàng độc, người ta làm để bán giá cao, đâu có ai chịu share hay free cho mình công thức! Lo làm bánh bình thường cho nó đẹp mặt, vững chân, không bị phù, bị cứng là đã thành công rồi”!

Tôi nghe chị, dẹp vụ Tiramisu qua một bên, tiếp tục luyện tay nghề. Nhưng cái gì đã “đi vào lòng mình” thì khó mà từ bỏ nó đơn giản như thế nên trong khi làm bánh tôi vẫn âm thầm tìm hiểu, nhiều khi “vờ vui vui” hỏi bạn này 1 câu rồi để đó tích trữ, xem kỹ mỗi góc bánh tiramisu mà ai đó làm xong đưa lên mạng để khoe, thậm chí vô tình đọc được cái order của bạn kia khi nhắn mua nguyên liệu cho bánh tiramisu là tôi lập tức ghi chép lại để khám phá… Cứ từng chút, từng chút một mỗi ngày cho đến khi tự mình làm được chiếc bánh đầu tiên thì niềm vui của tôi mới được thỏa nguyện. 🙂

Hóa ra cái bánh “thần thánh” bán giá trên trời đó chỉ là sự pha trộn giữa công thức bánh trung thu cơ bản với một ít bột cacao nguyên chất, một ít rượu Kahlua khi sên nhân và 1 viên cream cheese ở lỏi bánh! Đơn giản có thế thôi. Nhưng… tôi đã nói rồi mà, tôi là kẻ nghiện màu nâu đen và hương vị của espresso một cách kỳ cục, nên tôi mê man với những chiếc bánh Tiramisu quá thể. Từ chiếc bánh Tiramisu nhân cream cheese, tôi tiếp tục “sáng tạo” mỗi khi dư nhân, thừa vỏ cho những mẻ bánh khác. Tiramisu nhân sen nhuyễn trứng muối nhé. Tiramisu nhân sữa dừa mè đen nhé. Thậm chí có hôm tôi còn “dám kết hợp” vỏ tiramisu với viên nhân trà xanh còn dư lại xem ngon dở thế nào.

Tôi không chắc cái mình gật gù khen ngon thì người khác có thấy ngon như mình không, nhưng tôi tin đó là sự kết hợp rất đặc biệt giữa vỏ bánh truyền thống, nhân sen ngọt ngào và mùi thơm thoảng qua nhưng rất đặc trưng của rượu Kahlua khi trộn cùng bột cacao nguyên chất. Và thích nhất là khi nhón một góc bánh, cắn một miếng sẽ “nghe được” vị đắng lướt qua hòa cùng vị ngọt, hương trung thu nhẹ nhàng hòa cùng hương vị chocolate và cream cheese. Bây giờ, chỉ ước gì có anh, có chị, có bạn ở bên để mình tự tay mời chiếc bánh ngọt ngào này…

CÁCH LÀM BÁNH TRUNG THU TIRAMISU

Nguyên liệu

A/ Phần vỏ bánh (cho 6 chiếc bánh loại 150g)

– 200g bột mì số 8

– 160ml nước đường làm bánh nướng

– 30ml dầu ăn

– 1 muỗng đầy bơ đậu phộng

– 1 lòng đỏ trứng gà

– 40g bột cacao nguyên chất

B/ Phần nhân bánh

– 200g đậu xanh đãi vỏ (hoặc hạt sen tươi)

– 90g đường cát

– 80-90ml dầu ăn

– 20g bột bánh dẻo

– 30g bột cacao (hoặc 40ml cà-phê đen đã pha, độ đậm tùy ý)

– 20-30ml rượu Kahlua

– 100g creamcheese

– 1 muỗng cà-phê mạch nha (không bắt buộc)

Cách làm

A/ Cho phần nhân bánh

nhan_banh_tiramisu_0

Từ cách sên nhân đậu xanh cơ bản, chỉ cần thay đổi bước cuối cùng một chút thôi. Sau khi cho 1/4 lượng dầu ăn cuối cùng vào nhân, ta đi chuẩn bị pha cacao.

Cho 30 gr bột cacao vào chén, đổ nước sôi vào để khuấy thành 1 hỗn hợp cacao lỏng sền sệt. (lượng nước sôi tùy bột cacao mà gia giảm). Sau đó pha thêm 20 – 30 ml rượu Kahlua vào hỗn hợp, khuấy đều tay cho cacao tan hoàn toàn rồi từ từ rót cacao vào chảo nhân đang sên.

Nhân sẽ lỏng ra khá nhiều nên tiếp tục sên nhân thêm chừng 5 phút thì cho nốt mạch nha vào chảo. Sên đều tay, liên tục đến khi nhân gần đạt thì rây bột bánh dẻo vào nhân, vừa rây vừa trộn để bột hòa quyện hoàn toàn trong nhân. Khi nhân róc chảo, bóng mượt, cảm giác ấn ngón tay vào không bị dính nữa thì tắt bếp.

Cho nhân cacao vào tô, dùng màng bọc thực phẩm bọc nhân lại để nhân nguội từ từ, sau đó cho nhân vô tủ lạnh, ngăn mát, giữ ít nhất 30 phút để nhân dễ vo viên. Phần nhân này sẽ vo được chừng 6 viên nhân, mỗi viên nặng 70gr.

Lấy 100gr cream cheese ra chia thành 6 phần – như vậy mỗi phần sẽ khoảng 15gr – tương đương trọng lượng 1 lòng đỏ trứng muối. Ấn dẹp viên nhân, đặt viên cream cheese vào giữa, nhẹ nhàng vo tròn trở lại rồi tiếp tục cho vào hộp, cất trong tủ lạnh để nhân cứng một chút cho dễ nặn bánh.

B/ Cho phần vỏ bánh

vo_banh_tiramisu

– Trộn đều 200g bột mì số 8 và 40g bột ca cao rồi ray qua tô to để bột mịn và đều. Vun bột trong tô thành khối.

– Cho nước đường, dầu ăn, bơ đậu phộng, lòng đỏ trứng vào tô nhỏ, trộn đến khi thành hỗn hợp dẻo mịn, hòa quyện thì từ từ đổ vào khối bột.

– Dùng muỗng gỗ hoặc spatula cứng trộn đều đểu hỗn hợp nước đường thấm hết vào bột, sau đó dùng tay nhồi nhẹ để bột thành một khối dẻo, kết dính.

– Lấy màng bọc thực phẩm bọc bột lại, để chừng 30 phút cho bột nở đều sau đó mang bột ra nhồi lại cho bột dẻo mịn, chia bột thành 6 viên, mỗi viên nặng chừng 65 – 70gr, vo tròn đều, bọc wrap lại chờ đóng bánh.

C/ Đóng bánh

– Sau 30 phút, lấy vỏ bánh cho ra thớt, nhồi nhẹ lại để bột dẻo rồi chia bột thành từng khối nhỏ chừng 80g. Vo phần bột vỏ thành từng viên tròn rồi dùng cây lăn bột cán nhẹ qua để bột dẹp thành những miếng vừa phải.

– Cho miếng vỏ bột lên lòng bàn tay, bên trên đặt một viên nhân rồi dùng má bàn tay từ từ “ôm” viên nhân, vừa ôm vừa xoay, nắm đều tay để phần vỏ bọc kín phần nhân.

– Chuẩn bị khuôn, quét mặt khuôn bằng dầu ăn hay rắc bột áo tùy ý.

– Cho viên bánh vào khuôn, dàn đều rồi ấn chắc tay xuống khay, đóng bánh.

* Vỏ bánh Tiramisu khá dính nên chuẩn bị luôn khay nướng rồi đóng bánh trực tiếp xuống khay, tránh đóng bánh ra thớt/mặt bàn … rồi lại phải đưa bánh vào khay nướng, dễ làm méo bánh.

D/ Nướng bánh: (Nướng 3 lần)

1. Làm nóng lò: Bật lò trước 200 độ C, chạy 10 phút làm nóng lò

2. Nướng lần 1: Sau khi lò nóng, cho khay bánh vào ngăn giữa, chỉnh lại nhiệt độ còn 175 độ C, nướng 10 phút. Sau khi nướng 10 phút, lấy bánh ra để bánh nguội. Vì chỉ nướng ở 175 độ C nên vỏ bánh còn hơi mềm, vì vậy không cần xịt nước.

Trong khi nướng bánh thì chuẩn bị dung dịch quét mặt bánh, gồm: 1 trứng gà + 3 muỗng sữa tươi không đường + 1 muỗng black soy sauce, đánh tan, lọc qua rây để bỏ lợn cợn còn trong trứng.

3. Nướng lần 2: Đợi bánh nguội hoàn toàn mới dùng chổi mềm quét mặt bánh thật nhẹ và cho vào lò, chỉnh lên 190 độ, nướng trong vòng 8 phút. Sau khi nướng lấy ngay bánh ra khỏi lò, xịt nước vào mặt bánh để bánh nguội thật nhanh, không bị phù chân.

Chờ bánh nguội bớt, chạm tay vào thấy ấm ấm thì quét qua mặt bánh lần 2.

4. Nướng lần 3: Tiếp tục cho bánh vào lò, chỉnh 200 độ, nướng 5 phút.

5. Sau khi nướng lần 3, nếu thấy vỏ bánh đã hoàn toàn khô ráo, cứng cáp thì mang bánh ra rack, đợi bánh nguội tự nhiên sau đó cho vào hộp bảo quản. Còn nếu thấy vỏ bánh còn hơi mềm thì chờ bánh ấm sau đó mang khay bánh đặt lại vào lò, chỉnh 150 độ, sấy chừng 5 phút nữa để bánh cứng cáp là hoàn tất.

tiramisu_mooncake_1

Ghi chú:

Bánh Tiramisu rất lạ, càng nướng vỏ bánh càng xấu, cứ bạc phếch ra, lem nhem và cứng ngắc. Nhưng chỉ cần để 2 ngày sau màu bánh sẽ trở về màu nâu chocolate rất đẹp. Bánh cũng nhanh mềm hơn các loại bánh trung thu khác vì thế nếu không thích ăn ngay thì nên  cho bánh Tiramisu vào tủ lạnh để ăn dần. Riêng bánh trung thu tiramisu ăn lạnh lại rất ngon.

_________

Bài viết đăng trên Bếp Gia Đình: http://www.bepgiadinh.com/mon-an-vat/banh-trung-thu-tiramisu-creamcheese