Bánh thập cẩm (của người bận rộn)

mooncake season 2014-1

Mình những tưởng trung thu của mình sẽ là lúc thảnh thơi uống trà, nhâm nhi miếng bánh thập cẩm yêu thích làm đầu tay.

Mình những tưởng trung thu của mình là những tấm hình có bánh nướng vàng ươm, có hương sen thanh mát, có ánh đèn lung linh; hoặc ít ra cũng sẽ có những chiếc bánh tươm tất nằm gọn gàng trong hộp đỏ đính nơ đàng hoàng.

Mình những tưởng trung thu của mình là lúc cùng con ngồi thắp lồng đèn, kể lại chuyện buồn vui ngày trước.

Nhưng không phải!

Trung thu thật sự của mình là những ngày vội vã đến trường rồi miệt mài với lò – khuôn – túi giấy đến tận đêm khuya.

Trung thu thật sự của mình là những buổi chiều mưa ào đến đón con rồi lại cùng con ào ra chợ, mua thêm nào đậu, nào bột nào mứt, nào đường … Oằn tay nặng trĩu.

Trung thu thật sự của mình là những khuôn hình chụp vội lúc nửa đêm về sáng hay khi trời nắng chang chang nên thiếu sáng, thừa nhòe.

Dù bánh nướng thập cẩm là món bánh mình muốn làm thật ngon, muốn chụp hình thật đẹp, muốn có một cai “back ground” được set up dàng hoàng. Nhưng chuối cùng …

mooncake season 2014-4

Bánh Thập cẩm cho người bận rộn chỉ có thể là một buổi chiều tí tách mưa, tranh thủ ít phút trước lúc đón con vào giờ tan học, ta chụp vội lấy mấy tấm hình. Lấy yên xe đi lại mỗi ngày làm cái background, lấy tường rêu xám xanh làm nhòe đi vết nứt, lấy giỏ xe sủng nước làm tạm … bokeh, và lấy thước kẻ đi dạy chèn vào để đỡ chênh vênh!

Có sao đâu nhỉ, khi mình thực sự yêu việc mình làm và luôn cố hết mình cho những đam mê 🙂

mooncake season 2014-7

CÔNG THỨC LÀM NHÂN BÁNH NƯỚNG THẬP CẨM

Nhân bánh thập cẩm là một công thức linh động, vị mặn ngọt, béo giòn nhiều hay ít là tùy sở thích của từng người. Với mình, mình thích nhân bánh thập cẩm phải hòa quyện được mùi vị của lạp xưởng, lá chanh, các loại mứt, hạt vào với vị béo của mỡ đường để dậy mùi “thập cẩm” nhưng lại lại không quá ngọt, cũng không được rời rạc hay cứng quá. Thế nên khi trộn nhân thập cẩm thường mình hay bớt mứt sen, mứt bí, tăng thêm mứt chanh, mứt gừng. Với các loại hạt, mình chỉ thích hạt dưa và mè đen – mè trắng, không thích hạt điều, hạt dẻ nên hạn ché cho vào.  Vì thế, lượng nguyên liệu bao nhiêu không nhất thiết phải theo một “chuẩn” nào cả, miễn là nó phải cân bằng giữa ngọt và mặn, béo và giòn. Nhiều lạp xưởng và thịt chà bông (hay giăm bông / gà quay / xá xíu …) quá thì nhân bị mặn, nhiều mứt quá thì bị ngọt …

Để có 1 kg nhân thập cẩm, mình thường trộn nhân với tỉ lệ 30 % nhân mặn -30% nhân ngọt  – 40 % nhân béo và các loại hạt.

– 200 gr lạp xưởng (đã luộc chín, cắt hạt lựu)

– 100gr thịt chà bông (loại nhạt)

– 200 gr mỡ đường

– 100 gr mứt gừng dẻo (cắt nhuyễn)

– 130 – 150 gr mứt vỏ chanh (cắt nhuyễn)

– 50gr mứt bí (cắt nhỏ)

– 50gr mứt sen (cắt nhỏ)

– 100gr hạt dưa

– 50- 70 gr mè (trắng/đen)

– Một nắm lá chanh tươi (hơn chục lá vừa ) cắt nhuyễn

– 30 – 50 gr bột bánh dẻo

Tất cả các nguyên liệu đều cắt nhỏ. Muốn nhân không bị rời rạc thì phải cắt các nguyên liệu càng nhỏ càng tốt. Mình thì sau khi cắt nhỏ từng món, mình trộn tất cả vào tô lớn rồi trộn đều, sau đó cho vào máy xanh khô, xay nhanh qua vài vòng để nhân bị cắt nhỏ hơn chút nữa.

nhân thập cẩm

Trộn nước sốt:

– 20gr rượu mai quế lộ

– 20gr corn syrup (mình dùng luôn nước đường bánh dẻo thay cho corn syrup)

– 10 gr black soy sauce

– 1 mcf bột ngũ vị hương

– 1 mcf dầu mè nguyên chất

1/ Trộn đều tất cả nguyên liệu nước sốt trong 1 tô nhỏ, để riêng.

2/Trộn nhân đều rồi từ từ cho từng ít nước sốt vào cho đến khi các loại nguyên liệu có thể kết dính thì ngưng.

3/ Cho bột bánh dẻo vào rây, rây bột từng chút vào nhân bánh, vừa rây vừa trộn. Khi nào cảm giác tất cả nguyên kiệu kia bóp lại sẽ dính đều vào nhau là ngưng.

4/ Để nhân nghỉ ngơi 30 phút là có thể vo nhân được.

nhân thập cẩm 1

Nhân bánh thập cẩm rất chắc nên bắt bánh và đóng bánh rất dễ, khi nướng cũng không bị mất form, phù chân nhưng nướng xong thời gian để bánh mềm sẽ lâu hơn bánh nhân nhuyễn nên ưu tiên làm bánh TC trước, bánh nhân nhuyễn sau 1 ngày để bánh “chín” cùng lúc.

bánh trung thu 1

(Bánh nướng thập cẩm loại mini 50gr)

16 bình luận về “Bánh thập cẩm (của người bận rộn)

  1. Bận rộn mà còn làm bánh, có bánh ăn và siêng chụp hình (đẹp) nữa. Dzậy là nhất nàng rồi đó X. ơi.

    Chớ gặp mẹ Cún nè, đã bận rộn mà còn làm biếng nữa nên năm nay ăn ké nhà chị Danh nè 😉

      1. Hổng phải tên X. thì DQ tự đặt cho tên X. luôn được hông dzậy nàng?

        khì khì khì …ghẹo thôi. Hổng phải thì thôi nhen. 🙂 🙂

      2. Hi hi, nếu là tên do nhỏ đặt cho thì được 😀 (còn vì nhầm thì … hông được, bị vì sợ nàng tưởng bở ta là XXX ai kia, xong rồi sau này … thất dzọng thì ta hông có gánh hết tội :p )

      3. Thất dzọng thì chắc là không. Nhưng nếu nàng không giận thì lại tiếp tục gọi nàng là X tiếp 🙂 🙂 ..hì hì hì 😉 :p :p

  2. Chị siêng năng giỏi quá, khuôn này là 50 grs phải không chị, làm bánh nhỏ dễ ăn vì ít ngán. Sang năm em mới làm lại. Bây giờ em đang nghiên cứu làm bánh cake. Em sợ mập nhưng lại thích làm bánh lắm :).

    1. Ừa, khuôn 50gr đó Lala. Ban đầu chị nghĩ là khuôn này nhỏ quá, chắc khó làm nhưng sau khi mang ra làm lại rất thích vì cảm giác chiếc bánh nhỏ xíu, dễ thương lắm. Ăn lại rất ngon, ít ngán. Em làm cupcake đi cho chị nghiên cứu theo với 🙂

  3. Cupcake hả chị? Em cũng có làm theo vài công thức kể cả công thức của chị Trang Savoury Days nhưng cái mà em thích nhất là của chị thiennabep ở Florida. Bánh rất mềm rất nhẹ ăn rất ngon nhưng để ăn vả thôi, vì bánh quá nhẹ nên khó bắt bông kem lên mặt bánh. Em thì lại thích phủ kem mocha lên cao :).

    1. Chị thì thích làm cupcake theo công thức bánh madelaine đấy Lala … Ăn rất hay, cũng đủ chắc để bắt kem nếu muốn. Em thử xem sao. Bánh nhẹ quá chị không thích lắm, cảm giác nó không có dư vị rõ ràng… 🙂

  4. Em mới tìm được bài hướng dẫn làm mỡ đường trong blog cũ của chị. Em thấy chị hướng dẫn rất chi tiết chứ không viết tóm tắt như hầu hết các blogfood khác. 🙂 Cảm ơn chị đã chia sẻ.
    Em có 1 thắc mắc nhỏ: thời gian luộc mỡ vừa chín tới là bao lâu ạ? Hay cứ để mỡ trong, nổi lên là vớt ạ?

    1. Cám ơn em đã phản hồi. 🙂

      Đúng như em nói, luộc vừa chín tới có nghĩa là em đun nước sôi, khi nước sôi già thì cho mỡ vào luộc đến khi thấy mỡ nổi lên là vớt (Hồi chị làm hình như chỉ mất chừng 5 phút thôi, vì mỡ hạt lựu mau chín lắm)

Bình luận về bài viết này