Hoa hồng Odysseia

Thần thoại Hy Lạp kể rằng, xa xưa người và thần còn sống cùng với nhau. Trong tiệc cưới của nhà vua Hy Lạp Peleus và nữ thần biển Thetis, khi mọi người đang say sưa ca hát, nhảy múa và nâng ly chúc phúc thì nữ thần bất hòa Eris bất ngờ xuất hiện. Tức giận do không được mời nên nữ thần Eris cố tình thả một quả Táo vàng khắc dòng chữ “Dành cho người đẹp nhất” lên bàn tiệc rồi bỏ đi. Vị thần này biết chắc dòng chữ trên quả táo sẽ châm ngòi nổ cho cuộc chiến tranh dành danh hiệu của các người đẹp có mặt trong bữa tiệc. Và, đúng như thế, ba người phụ nữ đẹp nhất tiệc cưới hôm ấy là Athena – thần Chiến tranh, Aphrodite – thần Tình yêu và Hera – thần Hôn nhân, cũng là nữ hoàng, vợ thần Zeus, thần của các thần trên đỉnh Olympus lập tức tranh nhau quả táo bất phân thắng bại. Quá đau đầu, thần Zeus đã đưa quả táo vàng cho chàng Paris đẹp trai nhất quả đất, cũng là hoàng tử thứ hai của thành Troy, nhờ chàng phân xử. Paris trao quả táo cho thần Tình yêu Aprodite. Đổi lại, Aphrodite giúp Paris chiếm được tình yêu của hoàng hậu Helen, vợ vua Menelau xứ Sparta.

Mất vợ, vua Menelau điên cuồng trả thù, kéo luôn cả các thần trên Olympus vào cuộc, gây ra cuộc chiến thành Troy kéo dài 10 năm đầy tang thương khói lửa. Cuộc chiến này chỉ đi đến hồi kết khi người anh hùng Odyssey đưa ra mưu kế “Ngựa gỗ thành Troy” vang danh mà ai quan tâm đến thần thoại Hy Lạp hoặc đọc sử thi Iliat và Osysdey của thi hào Homes đều biết.

Xong chiến tranh, trên đường trở về quê hương, Odyssey và toàn bộ thủy thủ đoàn của chàng gặp bão biển khiến tàu đắm, kéo theo hành trình lưu lạc cực khổ suốt 20 năm sau đó.

Người ta nói rằng, chuyến hải trình tìm về quê hương của Odyssey là bản anh hùng ca vĩ đại của người Hy Lạp trong quá trình chinh phục thiên nhiên. Và, Odyssey chính là biểu tượng của tất cả những giá trị tôt đẹp nhất mà người Hy Lạp mong muốn xây dựng: Trí tuệ, chính nghĩa, dũng cảm, can trường và chung thủy.

***

Khi chọn mua giống hồng Odysseia, mình rất thú vị khi phát hiện ra giống hồng này không phải xuất đi từ Hy Lạp hay một nước ở khu vực châu Âu nào đó mà lại đến từ vườn hồng nhà ông Takunori Kimura nước Nhật. Vào Instagram của ông tìm hiểu thêm mới biết ông không chỉ lai tạo nên giống hồng tuyệt đẹp mang tên người anh hùng Odyssey mà còn tạo ra rất nhiều giống hồng tuyệt vời khác mang tên các vị nam thần, nữ thần, tiên nữ đồng nội và các người hùng trong thần thoại Hy Lạp như Iliat (là hậu duệ của Odyssey, tham gia vào trận chiến thành Troy lần thứ 2), Archilles (Một người anh hùng khác trong trận chiến thành Troy, nổi tiếng với tích “Gót chân Archille), Hector (Hoàng tử cả của thành Troy, anh trai Paris, người lãnh đạo toàn thành đứng lên chiến đấu với binh đoàn của vua Menelau), Helen (Hoàng hậu xứ Sparta, được tụng xưng là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, cũng là nguồn cơn cho trận chiến thành Troy), Penelopeia (người vợ trung trinh tiết liệt của Odyssey) …

Với Odysseia, mình hoàn toàn bị mê hoặc bởi mùi hương thảo dược thật đậm của nó, kết hợp với sắc màu đỏ thuần và những lớp cánh uốn lượn bồng bềnh như sóng biển (Tới đây, mình chợt nhớ, hình như ông Kimura rất thích lai tạo hoa hồng có kiểu cánh lượn sóng thì phải…?)

Odysseia là dạng hồng bụi cao, cho hoa chùm, rất bền. Xứ nóng như Saigon, Bình Dương cũng giữ được 4-5 ngày. Dịp Tết trời mát, hoa nở được hơn10 ngày mới tàn. Đặc biệt hoa càng héo tàn thì mùi hương càng đậm.

Giá chi vườn nhà rộng hơn một chút mình sẽ đưa thêm giống hồng Penelopeia, Daphne, Iliat hoặc Archilles về trồng, để tạo nên một khu vườn thần thoại …

P/s: Trong ảnh là hoa bói, size hoa còn nhỏ và cây chưa đủ sức để tạo nên hoa chùm. Về sau, hoa to hơn, size lớn hơn nhưng mình vẫn yêu những tấm ảnh chụp đóa hoa đầu tiên nở vào những ngày mờ sương sau Tết âm lịch.

Thêm một thông tin nữa, là các giống hoa hồng của ông Kimura càng về sau này càng ưu việt, kháng bệnh cực tốt, rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Vietnam, màu sắc ấn tượng, cấu tạo cánh đa phần là lượn sóng xếp lớp mềm mại và rất thơm. Thật đáng ngưỡng mộ và ao ước…

GOSPEL – đóa hồng Phúc âm

Theo tự điển GOSPEL được giải nghĩa như thế này:

“The word gospel comes from the Old English. God meaning “good” and spel meaning “news, a story.” In Christianity, the term “good news” refers to the story of Jesus Christ’s birth, death, and resurrection. Gospel music is heard in church and sung by a gospel choir”

Có thể hiểu rằng, Gospel chính là một đoạn tin tốt lành, hoan hỉ báo mừng ngày Đức Jesus tái sanh. Chính vì thế, Gospel music trở thành tên của loại nhạc thánh ca. Tìm hiểu thêm chút nữa, Wikipedia có giải thích nhạc gospel, hay còn gọi là nhạc Phúc âm, hoặc nhạc Thánh ca, được hát theo phong cách Acapella, xuất phát từ các ca đoàn người Mỹ gốc Phi. Khi hát người hát dùng tay, chân, miệng… để tạo tiết tấu giữ nhịp. Nhạc thánh ca có thể hát theo lối dẫn dụ, truyền khẩu dân gian, hoặc hát theo phong cach opera trong thánh đường; đồng thời, nó cũng được hát tại các quán rượu như một kiểu hát hiện sinh

Nụ hoa đầu tiên

Có lẽ, từ những đức tin riêng rất thành kính, mạnh mẽ mà nhà lai tạo hoa hồng nổi tiếng người Đức – Hans Jürgen Evers  – đã tạo ra một giống hồng có sức đề kháng thật mạnh mẽ, màu đỏ merlot vô cùng thắm thiết, như thể ấy là phần máu thịt mà chúa Jesus đã đánh đổi để chọn gánh lấy phần khổ nạn trên thập tự giá và mùi hương cực kỳ bền chặt, quyến rũ, như chính đức tin trọn vẹn của Ngài vậy.

Một đóa Phúc âm
Trọn vẹn hương sắc

Khi chọn Gospel, tôi không hề biết nhiều như thế. Lúc ấy, cả vườn hồng của tôi vừa trải qua một đợt nấm lá tàn phá, xác xơ. Thế nên tôi chỉ đơn thuần muốn tìm một giống hồng bụi, bền, khỏe, có khả năng kháng nấm, không vỡ phom hoa khi trồng ở miền Nam, màu tím hông hoặc đỏ đậm và NHẤT ĐỊNH PHẢI THƠM và CÓ GAI. Nhất định như thế. Với tôi, hoa hồng có đẹp đến mấy mà không thơm thì cũng giảm đi rất nhiều giá trị. Và – hơi buồn cười một chút – đó là đã hồng thì phải có gai – giống như là đàn ông thì phải có… râu vậy. Một đóa hồng thiếu hương thơm hoặc thiếu… gai thì hơi… vô duyên – ấy là quan niệm của tôi.

Và, tôi tìm thấy Gospel.

Thêm một đóa nữa
Một đóa, rồi một đóa…

Càng may mắn hơn, khi cây Gospel tôi chọn là một cây hồng già tuổi, to, sum xuê cành lá. Chỉ có điều sau khi gỡ đám giấy và dây nhợ quấn cành ra, tôi gần như bất lực vì không biết phải tỉa cành, thay chậu cho nó như thế nào. Loay hoay với Gospel tròn một tháng, tôi mới đủ tự tin chăm tỉa, tưới tắm, bón phân, phun thuốc, nhặt lá già, nâng lá yếu…

Những chiếc lá non
Những chiếc lá xanh
Nâng niu giữ lại tên em – Gospel

Không phụ công, Gospel thay lá mới, trút bỏ dần mớ lá già thô, đâm tược liên tục, ra hoa từng đợt, mỗi đợt hơn chục bông, bông nào cũng to khỏe, tuyệt đẹp – bắt đầu cho lứa đầu tiên ngay dịp 20-11 rồi lai rai đến tận bây giờ.

Những lứa hoa nối tiếp lứa hoa

Cám ơn Gospel, cám ơn những đóa hồng mang sắc hương và sự thiện lành báo tin vui thay lời kết thúc năm 2020 đầy biến động, nhiều lo toan, vất vả và mất mát này.

Cầu mong năm sau sẽ làm một năm khởi sắc, bình an.

Tháng 12/2020

Tìm cách chèn ảnh cho giao diện mới của wordpress

Chưa viết gì, vì mình đang loay hoay cách chèn hình vào bài viết ở blog mà không có cái sọc chạy ở giữa. Hơn 1 tháng nay, không biết wordpress thay đổi giao diện viết bài mới như thế nào mà mình thật sự thấy rất rối và khó chịu cho mọi thao tác, từ cách xuống dòng đến đặt tag, đặc biệt là chèn hình vào bài cực kỳ lích kích, gây bực bội…

Không biết nếu thay 1 giao diện khác thì có vướng vấn đề này nữa không!?

Update 1:

Đã thử mọi cách viết và chèn khác nhau, kết quả đều giống nhau, không thể bỏ được đường sọc khó chịu tách hình thành 2 nửa, muốn xem phải kéo như 1 cái slide trượt qua. Hơi bực…!Mà mình thích giao diện này, nếu phải đổi thì thật đáng tiếc. Nhưng đành phải thử để tìm ra cách thôi.

Update 2:

Đã thử chọn một sô giao diện mới để xem cách up ảnh có khác nhau không. Rất tiếc là không! Nhưng nhân tiện đổi giao diện, mình “thay áo mới” cho blog DVYT luôn. NHìn blog có chút đổi thay, cũng thấy vui vui mắt.

Update 3:

Có lẽ thấy mình loay hoay với cái blog mất thời gian và ngứa mắt quá, nên ông bạn Photo chạy bộ đã ra tay nghĩa hiệp, chỉ cho mình cái chỗ up ảnh đơn giản nhất để mình sửa cho nhanh. Cám ơn bạn đã cho mình thấy một người thông minh như mình cũng có vô số lần sai vớ sai vỉn như thế nào, haha…

Update cuối cùng:

Để chèn ảnh vào bài viết, cánh đơn giản nhất là làm ơn… nhìn xuống, bung cho hết các icon ẩn trong khung để có đủ lựa chọn cho mình. Hết. 😀 😀 😀

Ví dụ là đây

Và thực hành lại 1 cái, cho bớt… “nhụt” 😀

Cám bạn hiền, tui nghi chắc bạn đang vừa coi Siêu trí tuệ vừa cười haha khi tưởng tượng tới “siêu trí tuệ” của tui =))))

Hoa hồng cho tháng 11

Sáng nay mở blog ra, thấy bạn mình hỏi “Tháng 11 của bạn thế nào…?” mình đã hớn hở khoe đây là một tháng “BỎ CHẠY” đúng nghĩa đen. Mình không xỏ giày 1 ngày nào, không chạy 1 bước nào, thậm chí đi bộ cũng không. Qua một tháng 10 quá sức stress, mình kiệt sức, nhiều lúc nổi điên vô cớ nên quyết định tháng 11 là tháng mình mặc sức cho bản thân được relax và phục hồi theo cách tự do nhất. Thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, không muốn đọc sách thì không đọc, không cần chạy bộ thì không chạy. Quá phiền muộn thì xin nghỉ vài buổi dạy ở trường, miễn là sự nghỉ ngơi của mình không ảnh hưởng tới đồng nghiệp, không để người khác gánh thay tiết dạy của mình là được.

Kết quả, mình ăn ít xỉn như một con mèo ỏng ẹo, nhưng ngủ nhiều y như một con… heo. Mình có thể ngủ từ 9h tối hôm trước đến tận 5h sáng hôm sau mà vẫn thích ngủ nữa. Thích ngủ, chứ không phải là thèm ngủ hay buồn ngủ. Mình chăm vào bếp hơn, chăm nấu ăn hơn, lại còn hì hụi dọn nhà, xếp gọn gàng ngăn nắp bếp núc, tập tành nấu sữa hạt và làm nước ép rau quả.

Và mình đọc sách – một tệp tản văn mỏng mỏng của nhiều tác giả, tên là “Vàng thu phương Bắc”. Rất lâu rồi mình không thèm viết tản văn, cũng không thèm đọc tản văn của người khác… cho đến lúc tự nguyện cầm lấy “Vàng thu phương Bắc” lên, từ tốn hưởng thụ cảm xúc dàn trải của mình lẫn của người khác.

Hơn thế, mình còn mua được cuốn “Xa đám đông điên loạn” của Thomas Hardy, cả bản dịch và bản gốc tiếng Anh luôn (Tên bản gốc là Far from the Madding Crowd, xuất bản năm 1874) và vô cùng hài lòng, sung sướng. Năm 2015, cuốn Xa đám đông điên loạn đã được chuyển thể thành phim rất thành công. Mình biết thế, nhưng chưa xem, không phải vì không muốn xem, mà là muốn để dành nó như một niềm vui chờ đợi. Bởi vì, mình có được bộ sách từ một câu chuyện bất ngờ.

Chuyện là mình quyết định mua lại vài cây hoa hồng để trồng thay cho loạt hồng vừa chết, và vô tình chọn được 2 chậu hồng rất hay. Một chậu là GOSPEL, được lai tạo bởi nhà Hans Jürgen Evers tài năng nước Đức; còn chậu kia là BATHSHEBA, được thánh hoa hồng David Austin lai tạo, lấy cảm hứng từ nữ nhân vật chính trong tác phẩm “Xa đám đông điên loạn” của Thomas.

Bathsheba, đưa về được 2 tuần, bắt đầu lên tược non

Với bản tính có chút lãng mạn phù phiếm, mình vừa bất ngờ, vừa sung sướng khi vô tình có được 2 chậu hồng tuyệt vời này. Gospel vốn khỏe mạnh nên về đến nhà, sau vài đợt tưới bón đã nở hoa liên tục suốt tháng 11, thơm ngát, mượt mà như một sự vỗ về, an ủi dành riêng cho cái người làm nghề đi dạy là mình. Bathsheba thì chưa, mình đang chăm chút và chờ đợi. Khi đưa Bathsheba về, nó gần như chỉ còn cành trơ trụi, tả tơi, kiệt sức sau 1 đợt bị cắt tỉa rất sâu của nhà vườn. Vậy mà chỉ qua 1 tháng, những chồi non vươn lên xanh mướt, y như tính cách mạnh mẽ và kiêu hãnh của cô nàng Bathsheba trong tiểu thuyết. Không biết, khi ra hoa thì Bathsheba còn đẹp nhường nào. Thật sự mình quá nể ngài David, một người đàn ông không chỉ tài năng, tinh tế mà còn lãng mạn thượng thừa.

bathsheba, sau 1 tháng tròn, đang xanh tươi cả một góc vườn

Nghe nói đầu năm 2019 ông đã và đang tiếp tục lai tạo giống hồng Gabriel Oak – cảm hứng từ nam chính trong “Xa đám đông điên loạn”, người đàn ông đã bao dung, che chở và yêu Bathsheba vô điều kiện. Giống hồng mang tên Gabriel Oak sẽ cho màu đỏ rượu vang như tính cách nam chính, và mùi hương mạnh mẽ, ngọt ngào như tình yêu của ảnh vậy. Trời đất ơi, mình muốn lục tung tất cả các vườn hồng ở từ Bắc tới Nam để tìm Gabriel Oak về cho Bathsheba quá đi mất thôi…

Tháng 11 của mình trôi qua như thế đấy. Trễ nãi một chút. Buông lơi một chút. Dịu dàng một chút. Tự tưởng thưởng cho bản thân một chút. Còn bạn, dù tháng 11 của bạn có những bất toàn nhưng mình thật sự thấy vui hơn khi biết bạn cũng tìm được cho bản thân vài niềm vui nho nhỏ. Hôm nay là ngày 1 tháng 12 rồi, tháng cuối năm rồi đó, cái gì cần dứt điểm nhớ dứt gọn gàng nha bạn tui.

À, mà tự dưng rất muốn hích bạn một cái, hỏi “giờ bạn muốn tui gọi tên bạn là gì thì nói tui nghe đi, chớ gọi bạn bạn hoài mỏi miệng muốn chết. Bạn hiểu hông? :D”

Hoa hồng nơi khác

Cái note này dành cho những chậu hồng tôi đã từng đưa về, rồi lại đưa đi, vì nhiều lẽ khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là “không hợp”!

Thật ra, trước khi viết tôi hơi tiêng tiếc mớ hình hoa hồng trong máy. Nhiều hình quá, đẹp quá, nhiều cảm xúc quá, gợi nhớ quá. Hoa đời đầu mà – giống tình đầu, có “thôi nhau” rồi thì vẫn cứ thấy tiếc hoài…! Thế nên tôi cứ lần chần, bụng bảo dạ hay là để qua cái đợt cao điểm lắm việc đầu năm nay đi, rồi từ từ viết riêng cho mỗi đứa “tình đầu” kia mỗi note, xong đưa hết hình chúng nó vào đó, để lâu lâu tua qua ngắm cũng vui. Nhưng rồi lại nghĩ, làm thế, khác nào “đã thôi nhau” rồi còn cố đưa nhau vào bộ sưu tập, có dịp là khoe mẽ “ngày xưa đã từng”…!? … Thế nên thôi, dù có bao nhiêu hình thì chúng ta cũng chia tay nhau rồi. Các em đều đã thành hoa hồng nơi khác cả rồi nên tôi chỉ điểm qua một tí.

Trong 5 chậu hồng đầu tiên bê về nhà nuôi dưỡng, có 2 chậu “đúng gu” nên được tôi giữ lại tiếp tục chăm sóc là hồng Thạch Lam Kinda blue và hồng Cúc Firework Ruffle. Ba chậu còn lại, gồm Glamis Castle, Strawberrry Maccaron và Guirlande L’amour đã được đưa về vườn em Như, 1 cô gái cũng rất nghiện hồng.

Vốn dĩ trước khi đặt mua bất kỳ giống hồng nào tôi cũng search thông tin, để xem nó có hợp với sở thích cá nhân và điều kiện chăm dưỡng hay không. Nhưng rồi, sau một thời gian đặt, mua, trồng, thanh lý tôi mới “ngộ” ra 1 điều cực kỳ đơn giản: không phải điều gì các nhà vườn ghi chú cho giống hoa họ bán cũng đúng, vì thực tế là họ cũng không biết rõ. Giữa thiên la địa võng 3 vạn giống hồng họ chỉ biết một ít, còn lại  họ search thông tin có sẵn trên mạng để tiện cho việc giới thiệu mua bán mà thôi. Ngược lại, nhiều nhà vườn xuất thân từ người chơi hồng nên có thâm niên, biết rất nhiều nhưng cái họ biết họ sẽ giữ lại để trao đổi với khách ruột, còn với khách vãn lai thì… thôi. Vui vẻ cứ xem, ưng thì chọn, được thì chốt, còn trồng có đúng ý hay không là chuyện khác…

Thế nên, sau khi trồng và chăm hồng được 6 tháng, tôi dần dần nhận ra những giống hồng bụi cứng cáp, mạnh mẽ, có gai, có cá tính, màu sắc rõ nét như Kinda blue hay Firework Ruffle hợp với tôi hơn những giống hồng quá mềm mại, dịu dàng nữ tính như Glamis hay Maccaron.  tôi gửi lại các chậu hồng “có duyên” nhưng không trọn vẹn ấy cho Như, nhờ em chăm sóc tiếp. Hy vọng qua vườn nhà em, các chậu hồng sẽ trưởng thành và bung hương sắc.

Glamis castle rose

Glamis castle rose

Strawberry Maccaron Rose

Thêm vào danh sách các chậu hồng đã về vườn khác còn có chậu hồng Tezza đỏ và chậu hồng Tuscan cam cá hồi.

Tôi không thích lắm những giống hồng cho hoa đỏ, nhưng lại quyết định chọn một chậu hồng nhung là vì cái tên “hồng Don Joan” rất gợi sự phụ bạc, đa tình của nó. Don Joan là giống hồng nhung màu đỏ thắm do Michele Malandrone lai tạo tại Italia năm 1958. Khi được người Pháp đưa vào Việt Nam thuần dưỡng, hồng nhung Don Joan được mang cái tên mới – bình dị và mang tính vùng miền hơn nhiều: hồng cổ Hải Phòng. Ấy thế nhưng sau vài đợt hoa, tôi lờ mờ nhận ra chậu hồng nhung người ta gửi cho tôi không phải là chậu hồng Don Joan trong truyền thuyết, mà là Tezza đỏ, hay còn gọi là Terazza Fuchia hay Hoa hồng hạnh phúc. Thế nên tôi tặng lại chậu hồng này cho 1 cô gái khác. Cô thích hoa hồng nhưng chưa chăm bao giờ, và Tezza là lựa chọn phù hợp vì nó là giống hồng sai hoa, dễ chăm, dễ lớn.

Tezza Đỏ

Tezza đỏ

Tezza đỏ

Riêng chậu Tuscan lại là một câu chuyện khác nữa. Nó là chậu hồng tôi mua một cách ngẫu hứng trong siêu thị, giá 180k. Thường, các chậu hồng được bày bán trong siêu thị là loại mua về chưng chứ không phải để trồng, bởi chúng chỉ bung được mỗi một đợt hoa chính, rồi lay lắt thêm 1 đợt hoa phụ nữa là tàn rụi. Tôi biết thế, nhưng chả hiểu điều gì khiến tôi bỏ chậu Tuscan vào giỏ hàng, để rồi khi về nhà phải ngẩn người vì kiểu mua hết sức tùy tiện của mình.

Trót mua thì chăm vậy. Tôi chăm chậu Tuscan cũng y như chăm Kinda blue hay các chậu hồng khác: cẩn thận, đều đặn và không thiên vị. Ngạc nhiên làm sao, sau 6 tháng, chậu Tuscan vượt qua được “định mức” chỉ sống 2 mùa hoa để bung lụa rực rỡ. Mỗi đợt bông đều ra rất nhiều, bền màu và lâu tàn. Giống hồng này rất khỏe, suốt thời gian chăm sóc tôi chưa thấy nó bị đốm lá, nấm bệnh bao giờ. Chỉ tiếc là mùi hương của nó rất nhạt nhòa, gần như không có bản sắc gì đáng kể! Tháng trước, có một cô giáo tới chơi nhà và tỏ ra thích thú chậu Tuscan vì màu cam và sự khỏe khoắn của nó, thế nên tôi đã tặng lại cho cô.

Tuscan rose

Tuscan rose

Tuscan rose

Sau khi cho/ gửi/ tặng/ thanh lý một số chậu hồng, tôi nghĩ là mình có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc “tuyển chọn” hồng qua… facebook (cười). Hy vọng, những chậu hồng sau này sẽ yên an trong vườn nhà, thay vì đi về nơi khác…

Kinda blue, hồng Thạch Lam

Sau những chậu hồng đầu tiên được lựa chọn mang về một cách cảm tính, tôi bắt đầu hiểu sở thích của bản thân trong việc chọn giống hồng. Tôi ưa các giống hồng bụi, cành nhánh khỏe khoắn tạo tán tự nhiên không gò ép như kiểu “tree rose”, bộ lá xanh dày, cánh hoa cuộn xoắn tùy ý, thoải mái, xoắn hay xòe đều được, không nhất thiết phải cuộn cổ điển như cái bắp cải hay cuộn phom trứng hiện đại. Màu hoa rõ nét; hồng ra hồng, đỏ ra đỏ, vàng ra vàng, tím ra tím. Cánh hoa mỏng dày vừa phải, đừng cứng quá – dễ bị thô, đừng mỏng quá – vì dễ dập nát. Hoa chùm hay hoa đơn đều được, miễn là cuống hoa phải đủ cứng cáp để đỡ lấy bông/ chùm bông khi nở hết cỡ vẫn vươn cao, kiêu hãnh “ngước mặt lên trời” thay vì bị cong oằn, trĩu xuống.

Nói tóm lại, tôi ưa hồng bụi, khỏe, chắc, màu rõ ràng, có hương thơm. Và Kinda blue chính là đại diện cho cái gu riêng đó. Điểm trừ duy nhất của Kinda blue là kháng trĩ kém. Vì vậy, nuôi được 1 chùm hoa mập mạp khỏe mạnh, không bị sứt sẹo, méo mó, vẹo vọ vì trĩ là cả một vấn đề. Bù lại, Kinda blue lớn rất nhanh và sai hoa. Mỗi lần đâm tược đều đóng nụ.

Tiếc rằng, khi đến với Kinda blue, tôi vẫn còn là một người chơi ngờ nghệch, kinh nghiệm cắt tỉa cành, tạo nhánh, tạo tán hầu như không có nên cây Kinda của tôi lớn một cách “vô tổ chức”, cành nhánh phát triển lung tung, muốn quay hướng nào thì quay, có nhánh tôi không dám tỉa nên giờ lớn vồng lên, cao vượt mặt; có nhánh lại nhỡ tay cắt tỉa quá đà nên bị cụt hẳn xuống. Kết quả là cây kinda phát triển lệch tâm, bên cao bên thấp, nhìn rất mất cân đối. Tôi đang có ý định “cải tạo” dáng cho nó bằng cách chiết cành nhưng vẫn băn khoăn e ngại, sợ đôi tay chuyên nhồi bột này sẽ chiết hồng như chia bột, làm mất cả trâu lẫn nghé (cười)

Thôi thì tạm thời cứ chăm cây cho tốt và ngắm Kinda ra hoa, để mỗi lần thấy màu tím hồng của nó đong đưa nơi góc vườn, tôi lại mỉm cười nghĩ tới những mối tình đầu. Tình nào cũng vậy, đã là tình đầu thì luôn non nớt, thơ ngây, đẹp nhưng đầy khiếm khuyết.

_______________________________

Thông tin dành riêng cho Kinda blue:

Kinda blue – giống hồng bụi của Đức, được nhà vườn W. Kordes & Sons lai tạo trước năm 2015. Ban đầu giống hồng này được gọi là Tiny blue, sau năm 2015 được giới thiệu với cái tên Kinda Blue tại Nhật bản bởi tập đoàn Keisei Rose. Tiếp theo đó Kinda blue được đưa sang triển lãm tại Mỹ với cái tên Blue PomPom. Ở Việt Nam, kinda blue có cái tên rất đẹp: hồng Thạch Lam.

Hồng Thạch Lam được xếp vô nhóm màu “tím” – nhóm màu khó lên chuẩn ở xứ nóng, thường sẽ chuyển thành tím hồng hoặc tím nhạt. Cây trưởng thành cao tầm 1m2 đến 1m5. Tốc độ lặp hoa nhanh, trung bình 4-6 tuần là có 1 lứa hoa mới. Phom hoa to. Hương thơm nhẹ nhàng.

Kinda Blue cũng là giống hồng chịu được nắng và giữ form hoa tốt nên trồng ở xứ nóng rất ổn.

Chuyển nhà mùa Covid

Thật ra, khi mình gõ những dòng này thì ơn trời, “Mùa dịch Covid” cơ hồ đã lùi lại phía sau, nhưng dư âm của nó khó quên quá, nên phải gõ vài dòng lưu lại. Trong đời người, sau kết hôn, sinh con, thì có lẽ mua nhà và chuyển việc là những thứ làm người ta phải lo toan tính toán trước sau đến bạc cả tóc. Vậy mà, chả biết vì cái gì đưa đẩy, những “dịp” dịch chuyển của mình đều ngoài ý muốn và rơi vào lúc khó khăn nhất. Ví như thời điểm vừa rồi, ngay giữa cơn dịch, khi cả nước đồng lòng hô hào bảo nhau “Ngồi yên khi tổ quốc cần” thì mình tất bật đóng gói chuyển nhà do chủ nhà bất thần đòi tăng giá. Nó như giọt nước tràn ly khi nhà đang thuê vừa bức bí, vừa xuống cấp trầm trọng, dây điện dây nước đều hỏng hóc thường xuyên. Mỗi lần phải bật lò nướng bánh mình đều lo ngay ngáy sự cố cháy nổ, còn bước vô phòng tắm luôn ám ảnh điện giật vì chập mạch do nước rỉ hai bên tường, nhưng trao đổi thì chủ nhà không sửa.

Thỏa thuận không được, vậy là tức tốc tìm nhà khác, lo thủ tục xe cộ đưa rước và trường lớp cho con, lo giải quyết ổn thỏa mọi rắc rối phát sinh, và chuyển.

Cũng may, sau những pha thót tim bị đuổi ra đường vì nhà cũ đã trả, mà nhà mới không đến được (do ngày chuyển nhà cũng là ngày Thủ tướng ra lệnh cách ly toàn xã hội) rồi khi bàn giao nhà cũ cũng gặp bao nhiêu rắc rối đến mức mình và chủ nhà thiếu chút nữa là phải đưa nhau lên phường giải quyết, rồi thủ tục hành chính ngưng trệ do dịch dã… mình cũng về nhà mới.

Nhà mới nhỏ nhỏ nhưng chứa đủ những điều kiện mà mình mong đợi. Tức là thông thoáng, có sân có hè, có chỗ đặt tủ sách, có chỗ đặt lò nướng để làm bánh, có hàng xóm thân thiện, gần trường để đi dạy và gần đường lớn để tiện giao thông. Đặc biệt, mình yêu mảnh vườn phía sau nhà và căn gác xép ngập tràn ánh sáng.

Vườn có hơn 20m2, nhưng đó là cả “giấc mơ” mà mình luôn khao khát.

Thế nên, sau những ngày bò ra dọn dẹp, thu xếp đồ đạc thì mình bắt đầu loay hoay mải mướt với khoảnh vườn con.

Vườn nhỏ, nhưng được hứng đây ánh mặt trời nên mình toan tính đủ thứ.

Chỗ này sẽ đặt mấy chậu hồng.

Chỗ này sẽ trồng mấy dây bầu, dây bí.

Chỗ này sẽ là nơi ươm mầm cây non và trồng cây gia vị.

Chỗ này sẽ lên luống trồng rau.

Chỗ này trồng ớt, trồng cà.

Rồi mua thêm cây giống. Mua thêm đất trồng. Mua thêm dây tưới. Làm cái dàn cho cây leo lên. Làm cái rảnh thoát nước để khi tưới nước không tràn qua sân vườn nhà hàng xóm.

Rồi tập tành ủ phân hữu cơ.

Loay hoay loay hoay cả mùa dịch, người ngợm mặt mày mình đen nhẻm, móng tay móng chân cũng cụt ngủn, xây xước nhưng tinh thần mình thật sự sảng khoái.

Đây là hoa hồng mình chăm bón, cũng là hoa đầy tay, lứa đầu nên búp hoa chưa to, màu chưa thắm, hoa cũng chưa bung rực rỡ, nhưng nó khiến bao ngày mệt nhoài của mình như được đền đáp.

Mừng cho mùa Covid đầy khó khăn bắt đầu đi qua.

Mừng cho cuộc sống mới của mình bắt đầu ổn định.

Và mừng cho những đóa hồng, qua cơn héo úa cằn khô cũng bắt đầu tỏa sắc thơm hương…

Kinda blue rose – vừa chớm

Kinda blue rose – nở bung

Glamis Castle rose – vừa bung

Một bông Glamis khác, cũng vừa bung

Strawberry Maccaron

Một đóa Strawberry Maccaron khác.

Rất nhiều bông Strawberry Maccaron đang chuẩn bị bung cánh

Firework Ruffle Rose, còn đang búp

Firework Ruffle Rose – nở bung

Guirlande d’Amour Rose – hoa chùm

Guirlande d’Amour – một chùm khác …