Nhóm bếp

Góc bàn làm việc, và con số 714.192 lượt truy cập, tính tới ngày 16/8/2022 là một kỷ niệm vô cùng ý nghĩa đối với mình.

Mình ghi cái tựa vậy thôi, chứ mình có gì để nhóm bếp đâu…! Thói quen thích ghi cái gì đó “đẹp đẹp” khiến việc lâu quá lâu mởi trở lại bếp thành một sự liên tưởng thôi mà.

Sau dịch, công việc bộn bề cuốn mình đi mỗi ngày mỗi xa căn bếp nhỏ, đến mức việc nấu cái gì đó bình thường giản đơn cũng thành xa xỉ, huống hồ bày biện nấu ăn, xong lại còn tỉ mẩn chụp hình rồi nắn nót ghi thành ngày tháng…

Mấy tuần trước, chị Trung Hạnh – một người bạn, người chị mình quen vào thời điểm ai cũng say mê lao vào sourdough bread – gửi tặng mình 1 thùng mì sợi homemade đúng nghĩa, được chị tự tay nhồi, cán, phơi, đóng gói kèm lời nhắn “Chị vẫn chờ em!” – Tình cảm của chị, và của những người bạn bè chị em thân thiết làm lòng mình mềm lại. Nhưng bảo mình cặm cụi đêm hôm nhồi nhồi ủ ủ; 2-3h sáng còn ra xem bột nở; 4-5h sáng lại lụi cụi bật lò nướng bánh thì mình chào thua. Mình vẫn nói với hội chị em, mình đến với sourdough bread như một cách thiền. Việc im lặng chú tâm làm bánh khiến mình nguôi đi những phiền muộn. Việc khối bột nở ra khiến mình thấy lòng mình vui vẻ, ấm áp. Nhưng đó là việc cách đây vài năm rồi. Bây giờ, lòng mình tĩnh lặng như nước. Mội ngày với mình chỉ loanh quanh đến trường, về nhà nghỉ ngơi, tranh thủ tập yoga, rỗi rảnh thì ra vườn nhìn trời nhìn đất, tưới nước cho mấy chậu cây. Thế thôi.

Các chị, các bạn bảo mọi người vẫn nhớ những bài viết của mình. Những buồn vui của mình, chuyện căn bếp nhỏ của mình có đâu đó trong các chị, các bạn. Vì thế, mọi người tiếc khi mình dừng bút. Nhưng – nói thật lòng – mình không còn nhu cầu “chia sẻ” chuyện nhà, chuyện bếp nữa. Trước kia, việc đi chợ sớm mai cũng làm mình rung động, việc hối hả tan ca cũng làm mình thổn thức, việc một tiếng rao, một cơn gió, một gánh hàng cũng làm mình xôn xao muốn viết thì bây giờ mình chỉ còn cười nhè nhẹ, lắc đầu. Con trai mình vừa thi xong tốt nghiệp – cậu nhóc ngày nào nắm chéo áo theo mẹ lên bục giảng giờ đã trưởng thành. Tháng tới cậu vào đại học. Mình buông tay được rồi, có phải vậy không…!?

Hôm nay mình vào blog, mở cánh cửa bếp đã đóng từ lâu, tiện chân đi dạo một vòng, ghé thăm blog bè bạn. Có người còn viết, có người dừng. Mình vào xem rồi lặng lẽ đi ra. Ai cũng có một thời – dù buồn đau hay nhiệt huyết. Dừng hay viết tiếp là ở mỗi người, chỉ cần các bạn – và cả mình nữa – tâm bình an, thân mạnh khỏe là đủ rồi.

Mai kia, khi lòng muốn gửi trao, mình sẽ lại lọc cọc gõ lên từng con chữ, nhóm lại một bếp lửa hồng, và mở cửa cho mùi bánh thơm bay khắp xóm…!

Bánh giò cho những ngày giãn cách còn lại

Thật ra, tôi cũng không chắc là “những ngày giãn cách còn lại” là bao nhiêu ngày…! Nhưng, như tất cả những người Việt Nam đang tha thiết mong cơn dịch khủng khiếp này đi qua, tôi luôn muốn viết và nghĩ như thế để hy vọng vào điều tốt đẹp cho mỗi ngày tiếp theo.

Tối qua, tôi làm bánh giò. Kể ra, phải 6 năm rồi …. à mà không, vì khi gõ đến số 6 năm tôi đã tìm lại bài viết cũ – Ở ĐÂY – để xem thử lần gần đây nhất tôi gói bánh giò là lúc nào. Vâng, là vào NGÀY 19 THÁNG 9 NĂM 2014. Tức là 9 NĂM TRƯỚC. Lúc đó, con trai tôi còn đang học tiểu học. Giờ thì nó chuẩn bị vào năm cuối cấp thi Tốt nghiệp phổ thông rồi. Thời gian đi nhanh đến ngỡ ngàng. Thế mà lúc gõ số 6 tôi còn nghĩ mình nói hơi quá. Tôi đoán tầm tầm mới 4 năm nay thôi…!

Như vậy, đã 9 năm rồi tôi mới lại gói bánh giò.

Tôi không hiểu can cớ gì khiến những ngày giãn cách tôi chợt tha thiết với các món bánh Việt. Tôi mong ước có chút bột năng để làm bánh bột lọc, bánh canh. Tôi thèm chút bột nếp để làm bánh dày, bánh ít, bánh ram. Tôi muốn mua được bột gạo, bột khoai để làm bánh giò, bánh nậm. Tôi lạch cạch ngâm gạo xay bột để đổ bánh xèo, bánh ướt… Rõ ràng tôi chỉ thích làm như một cách nhớ lấy hơn là thèm muốn được thưởng thức. Có lẽ, sự âu lo “nhỡ có gì xảy ra” khiến tôi hướng đến những thân thuộc chăng?

May thay, trước đợt giãn cách đầu tiên, tôi lại mua được mấy túi bột làm của để dành. Và càng may hơn khi trước sân nhà đối diện lại mọc lên một bụi chuối. Ngày đến đây xem nhà, một trong những lý do khiến tôi quyết định chọn nơi đây cũng chính vì nhìn thấy bụi chuối trước sân ấy đấy. Nhờ bụi chuối, những ngày giãn cách của tôi trở nên ấm áp và nhiều hương vị. Thậm chí, đã có lúc nhà gần như chả còn gì ngoài túm gạo nếp, tôi xé tàu lá chuối, lót nồi hong xôi cũng thấy lòng bình yên… Sau này, nếu có thể, tôi chỉ mong mình có được ngôi nhà với mảnh vườn riêng, vừa đủ để trồng một bụi chuối, một cây chanh, vài cây ớt và một hàng rau thơm rau quế. Dư dã thì trồng thêm một ang hoa sen, dăm ba bụi hoa nhài và một cây hoa mộc…

Quay lại chuyện gói bánh giò.

Tôi có qua nhà chị Danh xem lại công thức trộn bột làm bánh của chị nên biết thêm công thức trộn tinh bột khoai tây (Potato starch) để gói bánh giò mà chị bảo là “perfect” nhưng nhà không có sẵn. Thế nên tôi vẫn dùng công thức cũ của mình.

Sau này, hết giãn cách, nhất định tôi sẽ mua 1 gói Potato starch và làm thêm 1 đợt bánh giò nữa, đặt tên là “Bánh giò cho ngày trở lại” – Nhất định là thế (cười)

CÔNG THỨC NÀY CHO RA 16 CÁI BÁNH GIÒ – CỠ VỪA

Cho phần bột:

250gr bột gạo (mình dùng 1 gói bột gạo Thái Lan)

65gr bột năng (cũng bột năng Thái Lan)

1,5 lít nước hầm xương để trong, lọc thật sạch. (không có nước hầm xương thì dùng nước lọc, nấu sôi, nêm nếm thêm gia vị cũng vẫn ngon)

Cho phần nhân:

250gr thịt ba chỉ bỏ da, xay nhuyễn

4 cái trứng vịt luộc chín, lột vỏ, cắt làm 4

1 củ hành trắng cắt hạt lựu

150gr nấm mèo ngâm mềm, cắt sợi.

100gr hành tím bào mỏng.

1 chén dầu ăn

Gia vị nêm: Tiêu, đường, bột nêm gà, nước mắm

Lá chuối:

20 miếng lá chuối lớn, cắt vuông cỡ 18 x18 làm lá chính gói bên ngoài

20 miếng lá chuối nhỏ hơn, làm lá lót bên trong

CÁCH LÀM:

1. Chuẩn bị lá chuối: Nên chuẩn bị từ hôm trước cho đỡ việc.

Lá chuối rửa sạch, lau khô, cắt sẵn theo tỉ lệ rồi cuộn lại thành 2 cuộn lá lớn, lá nhỏ. Sau đó bọc wrap rồi cho vô ngăn đá tủ lạnh. Hôm sau khi làm nhân bánh thì lấy lá ra để mát lá sẽ mềm dẻo rất dễ gói. Không cần chần lá qua nước sôi, bỏ vô quay lò vi sóng hay phơi héo, hơ lửa gì cho mất thời gian.

2. Chuẩn bị nhân:

– Cho 1 chén dầu ăn vào chảo, phi hành tím cho đến khi hành vừa vàng giòn thì vớt hành để riêng, dầu hành để riêng.

– Dùng chảo phi dầu để xào thơm hành trắng, thịt xay, nấm mèo. Nêm vào nhân một chút bột nêm, bột ngọt, đường sao cho nhân chỉ vừa thấm vị nhạt nhạt. Xào lửa lớn cho thịt săn lại cạn nước thì thêm 1 muỗng cafe nước mắm thật ngon và 1 muộng cafe tiêu bột. Đảo nhanh tay. Nhấc xuống. Thêm 1 muỗng dầu hành và cho hết chỗ hành phi vào trộn đều để nhân thơm thật là thơm.

3. Chuẩn bị bột:

– Trộn đều bột gạo + bột năng + 1,5 lít nước lạnh, khuấy tan, để 1h cho bột lắng xuống thì chắt bỏ lớp nước trong bên trên.

Lưu ý: bỏ bao nhiêu nước thì bù lại bấy nhiêu. Ví dụ chắt ra 700gr nước bỏ đi thì bù lại 700gr nước lạnh mới.

– Tiếp tục khuấy và chắt thêm 1 lần nữa.

Mục đích của việc chắt nước bỏ đi là để bột gạo khi khuấy lên sẽ thơm ngon như gạo ngâm rồi xay, không có mùi hăng hăng của bột gạo.

4. Dão bột:

– Cho bột vào nồi / bowl, nêm thêm vào bột 1/3 chén dầu hành + 1 muỗng canh bột nêm. Khuấy đều. Cho lên bếp. Bật lửa lớn, liên tục khuấy cho đến khi bột vừa nặng tay thì giảm lửa nhỏ, khuấy thêm 5p bột sẽ đặc lại.

– Tắt bếp. Nhấc nồi bột xuống khỏi bếp. Thêm vào nồi bột 1 muỗng canh dầu hành. Lắp que lồng vào máy đánh trứng, để tốc độ nhỏ nhất, tiếp tục đánh bột cho đến khi bột trở nên mịn mượt thì ngưng.

5. Gói bánh

Xếp lá – như hình minh họa

Gói bánh – như hình minh họa.

Dùng số dầu hành còn dư lại để nhúng vào muỗng khi múc bột, vừa giúp bột mướt, vừa dễ dàn bột.

Dùng cái ly hoặc bất kỳ “cái gì” có kích cỡ vừa vừa để đặt khuôn lá bánh xuống sẽ dễ bẻ các nếp lá khi gói.

Lá bánh ngắn thì gói được chiếc bánh thấp thấp, như hình minh họa. Còn nếu lá dài thì gói được cái bánh thon thon cao cao thế này.

6. Hấp bánh:

Cho bánh vào xửng, hấp tầm 30-40p ở lửa vừa thì bánh chín.

7. Ăn bánh giò theo kiểu nào?

Cách ăn bánh giò miền Bắc không có nước chấm. Hình như cũng không có trứng cút. Bột bánh dão với nước hầm xương có chút xíu gia vị để đậm đà. Nhân là nấm mèo, hành tím, thịt ba chỉ băm nhuyễn, xào với tí bột ngọt, thêm muỗng nước mắm cho dậy mùi và bỏ thiệt nhiều tiêu, thơm nồng. Bánh gói xong hấp chín là ăn nóng. Bột phải mềm núng nính, xúc 1 muỗng bánh thơm ngậy, vừa thổi vừa ăn.

Nhưng ở “trong này” lâu dần mình lại quen cách ăn bánh giò miền nam. Cũng bột cũng nhân y vậy. Nhưng thêm cái trứng cút hoặc phần tư cái trứng vịt và nửa củ hành trắng cho ngọt dịu. Nhân xào xong sẽ trộn thêm 2 muỗng hành phi và một muỗng dầu hành để thơm điếc mũi. Hấp bánh xong không ăn nóng mà chờ bánh nguội một chút, bột chắc lại mới gỡ bánh cho vào đĩa. Pha thêm bát nước mắm chua ngọt, xắt thật nhiều ớt trái để khi múc miếng bánh giò cho lên miệng, cái bùi béo ngọt cay khiến mình xuýt xoa, kèm vài lá rau thơm nữa là hết xảy…

Ghi chú: cách pha nước mắm ăn bánh giò theo kiểu miền nam.

Pha mắm theo tỉ lệ 1-1-5, tức là 1 đường – 1 mắm ngon – 5 nước lọc, khuấy cho đều đến khi tan hết đường.

Cho thêm vào chén mắm 1 muỗng canh tương ớt, khuấy tan. Tương ớt sẽ làm chén mắm có vị rất dịu và ra màu mắm đẹp đỏ đẹp.

Xắt thêm trái ớt thả vô nếu muốn ăn cay.

Mời cả nhà…

Chúc cho những ngày giãn cách còn lại của chúng ta sẽ trôi qua bình yên, nhanh chóng nhé.

Ủ “BIA” KVASS VỚI SD RYE BREAD

Đầu tiên là cái từ “BIA” – vì sao mình phải bỏ nó vô ngoặc kép?

Nói dài xíu, KVASS, KAVASS hay KVAS là thức uống lên men truyền thống của người Nga, được ủ từ lúa mạch đen nẩy mầm, hoặc ủ từ bánh mì đen. Người Nga cho lúa mạch hoặc bánh mì đen nướng khô vô những cái thùng gỗ sồi rất là to, xong rồi đổ nước nóng già vô theo tỉ lệ 1-5 hoặc 1-7, là 1 phần lúa mạch/bánh mì + 5 -7 phần nước. Rồi họ lên men trong đó rất lâu. Khi nào uống sẽ chiết ra, thêm các loại quả khô và mật ong để tạo hương vị. Nước uống đó gọi là “nước lên men” Kvass truyền thống của Nga. Và người Nga rất ghét người khác gọi đó là “BIA” :))

Khi tìm hiểu mình đã vào 1 loạt trang youtube của người Nga để xem họ ủ, và thấy hầu như họ đều tỏ thái độ không hài lòng khi người khác gọi thức uống truyền thống của họ là “bia kvass” – họ bảo bia là bia, vodka là vodka, kvass là kvass. Không có cái gọi là “BIA KVASS KIỂU RUSSIA”

Đây là KVASS chính hiệu của Nga – Mình dùng để minh họa.

Công dụng của KVASS mình copy lại để mọi người đọc nè:

Tác dụng: Kvas thường không được lọc, khi uống, nó vẫn còn nấm men, thêm hương vị tuyệt vời cũng như hàm lượng vitamin B khá cao trong thành phần của nó. Kvas không chỉ được yêu thích nhờ giá trị dinh dưỡng, mà các nhà khoa học còn kết luận kvas tác dụng lên cơ thể cũng tương tự như sữa chua đặc Hy Lạp, sữa chua từ sữa ngựa và axit chua. Kvas cũng như mọi sản phẩm lên men của lactate, giúp điều hòa hoạt động giữa ruột và dạ dày, ngăn ngừa những vi khuẩn gây bệnh, tăng cường quá trình trao đổi chất và có tác dụng tốt với hệ tim mạch. Những khả năng chữa bệnh của kvas có được là nhờ hàm lượng axit sữa, vitamin, những amino-axit tự nhiên, các loại đường và các nguyên tố vi lượng khác có trong nó.

Bản thân mình khi uống KVASS thấy tác dụng nó tương tự như trà KOMBUCHA đó cả nhà. Nhẹ bụng, dễ tiêu, thoải mái. Nhưng trà kombucha có vị chua, uống nhiều hơi sợ đau bao tử còn KVASS thì có vị y như bia Hoegaarden vậy đó. Rất là ngon và hợp cho nữ nha. Con nít uống cũng được luôn.Độ cồn trong KVASS khá là nhẹ, chỉ từ 0,05% tới 1% thôi. Nói chung uống xong chỉ thấy phê phê, cuộc đời tươi đẹp chứ không có làm mình say đâu. Dù thở ra mùi bia rất rõ :)))))

Rồi giờ tới cách làm nà.

Cách làm này mình học từ chị Thanh – Bếp nhà Vầng. Mình không có addfriend với chị ấy, chỉ biết chị ấy vì cùng là member group “Chia sẻ men bánh” thôi, nên không tag chị để cám ơn được. Vậy nên chỉ có thể gửi lời bày tỏ sự trân trọng đến chị. Cám ơn chị nhiều.

Nhà mình ai chưa làm thì nên xem cách chị Thanh (bếp nhà Vầng) quay sẽ dễ hình dung hơn nhiều.

Link: https://youtu.be/fqdg0ewBULQ

Mình chỉ ghi chú lại tỉ lệ và mấy điều cần lưu ý cho mọi người không làm hỏng thôi nha.

1. Bánh mì dùng ủ KVASS bắt buộc phải là LEAN BREAD nha. Không có bơ đường trứng sữa gì trong đó hết.

2. Không nhất thiết phải là rye bread. Có thể dùng ww, buckwheat, semolina, spelt, multicereal…. Dùng loại bột nào thì KVASS sẽ có mùi và màu của bột đó. Dark rye cho KVASS màu và mùi vị thơm ngon nhất mà thôi. (Riêng bmi trắng thuần kiểu bmvn mình chưa thử nên không biết vị ra sao, nhưng mình đoán là vẫn ra kVASS, chỉ có điều là màu và vị nhạt hơn bmi có rye)

3. Bánh mì làm KVASS không cần tỉa tót gì hết. Chỉ cần nó chín để mình ủ bia thôi, nên chả cần fold gì cho mất công, mình nhồi sơ. Ủ đạt, vô khuôn, nướng chín là xong. Cực kỳ nhanh. Vì thế, nếu từ nay nhà mình có nhồi hỏng 1 dough bột thì đừng có bỏ, cứ hốt cho vô khuôn nướng luôn cho nó chín rồi ủ KVASS – Ngon và tốt hơn là còng lưng cứu chữa rồi è ra ăn cho đỡ phí 😃

4. Công thức chị Thanh chia sẻ là ct chuẩn á cả nhà. Làm y vậy ra vị ngon nên không cần chỉnh sửa gì đâu. Mình note nhanh lại tỉ lệ của chị ấy share là vầy:

  • 500gr bánh mì đã nướng khô
  • 3,5 lít nước lọc (ngâm lần 1) và 2 lít nước lọc (ngâm lần 2). Sau khi chắt lọc bỏ bã thì ra được 3 lít nước bánh mì.
  • cứ 1 lít nước sẽ dùng 0,7gr men khô (dried yeast)
  • thêm 100gr đường
  • 100gr mật ong
  • 1 nắm nho khô
  • và 1 ít mật mía tạo màu đen cho KVASS

NHƯNG trong lúc dịch dã như thế này không phải có đúng nguyên liệu. Vậy mình có thể thay thế ra sao?

Nếu không có mật mía mình sẽ thay thế bằng:

  1. Tự thắng 1 ít đường caramel để dùng
  2. Thay bằng đường đen nhà có – đường đen Biên hòa rất là tốt nha.

Nếu không có mật ong, mình có thể thay thế bằng:

  1. Nước đường làm bánh trung thu
  2. Mạch nha

Mùi vị khác nhau một chút, nhưng cái nào cũng ngon. Mình thử hết rồi, hihi…

Không có nho khô thì tìm cranberry khô, blueberry khô, đào khô, mận khô, vả khô… Không có luôn thì tự sấy 1 ít táo khô, dứa khô. Quả khô giúp mùi KVASS dậy hương hay lắm, đừng có bỏ qua nha. Nhưng cũng đừng cho nhiều quá, “bia” mà ngọt quá mất vị bia :)))

5. Khi vô chai, ủ tủ lạnh dùng hũ thì không thấy gas mạnh lắm đâu dù vặn nắp kín, nhưng để trong chai cho khóa nút là nó bung gas ác chiến, lấy ra bật bốp bốp như sâm banh nha. Nên đừng có rót đầy chai, chỉ rót 2/3 chai thôi, chừa chỗ cho gas nó bung. Để đầy là nó bục miệng chai trào ra dọn mệt luôn á.

Còn dặn gì thêm nữa không ha…??? À, Tủ lạnh mình nhỏ, mà bánh mì mình nhiều, nên mình chả thèm ủ nước 2, tất thảy dùng nguyên nước cốt ủ lần 1 nên KVASS rất đậm, uống nó NGON TRỜI ƠI LÀ NGON. Nên mình sắp thành bợm bia roài cả , haha… Cả nhà mình ai thích thì làm thử nha.

SD RYE BREAD dùng làm kvass, 50% dark rye của BRM, 80% hyd, 30% sd starter, 2% salt nha. Mình nhồi xong, ủ đạt là vô khuôn sandwich nướng chín, chả thèm rạch bánh luôn.
Cắt bánh ra từng miếng cỡ cỡ 2 ngón tay vầy nè. xếp ra khay.
Nướng 200 độ trong vòng 10p hay sao á, mình không nhớ. Cho nó nâu đậm xém xém cạnh vầy nè, ủ KVASS mới ngon.
Cân bánh mì đã nướng lên. 500gr là 3,5 lít nước (lần 1) và 2 lít nước (lần 2)
Cho bánh mì vô cái nồi to. Nồi này mình dùng chụp hình cho đẹp thôi nha. Chứ mình xài cái nồi khác để ngâm, haha..
Cũng múc 1 ít ra chụp hình cho đẹp thôi nha. Chứ phần còn lại ở bên nồi khác. Dịch mà, rảnh nên quởn quá quởn 😃 😃 😃
Mình dư bánh mì nên không ngâm lần 2 luôn, vì thêm nữa thì nhiều nước quá, tủ lạnh không có chỗ ủ.
Thành phẩm – KVASS mình ủ rất thơm ngon rồi nhưng màu chưa đậm lắm, lần sau sẽ làm đậm thêm chút nữa để giống với Kavass nguyên bản.
Và đây là rổ bánh mì chuẩn bị cho mẻ KVASS tiếp theo 😃

KVASS mình ủ mấy đợt rồi, thử tới thử lui vài lần nhưng tự dưng ngại đưa hình ảnh ăn uống thong dong lên fb hay blog. Cảm giác giữa lúc cả xã hội nháo nhào vì dịch, ngày nào báo đài hội nhóm cũng đưa tin nơi này thiếu thốn, nơi kia mất việc, người người gồng gánh dắt díu nhau về quê mà mình ăn ăn uống uống “nó cứ làm sao đấy”. Nhưng sau hôm đi test covid về tự dưng mình lại nghĩ thoáng ra, khác đi một tí. Ở nhà, cẩn trọng, tự chăm sóc bản thân, cái gì làm được thì làm hết sức, vui vẻ lành mạnh, thử nọ thử kia rồi chia sẻ chút chút niềm vui để bạn bè, người thân biết mình vẫn khỏe, vẫn ổn cũng là một cách đi qua mùa dịch. Nhỉ.

Mong tất cả mọi người bình an. Bảo trọng cả nhà nhen… Love all.

Tên của Quỳnh

Thêm một đóa nhật quỳnh nở hoa. Lần này là màu kem, gần như trắng. Chính xác hơn là hoa có 2 lớp cánh, lớp cánh ngoài màu vàng nâu, lớp cánh trong màu trắng kem. Khi còn nụ, lớp cánh ngoài ôm trọn búp hoa nên cứ tưởng hoa màu vàng, nhưng khi bung trọn vẹn thì sẽ cho ra một đóa quỳnh trắng ngà lung linh…

Khi gửi cho mình chậu quỳnh này, bạn nói “Hắn là hoàng quỳnh mà bà tìm đó. Chịu khó chăm sóc rồi chờ hắn ra bông coi có ưng không, đừng đặt mua linh tinh thêm nữa nghen.” Và mình bật cười, nhận cây, hoan hỉ chăm sóc. Cây bạn gửi đủ già, nên chỉ sau vài tháng đủ quen khí hậu và bám rễ là bắt đầu cục cựa nhú những nụ quỳnh đầu tiên.

Mỗi ngày ra vườn, mình đều đứng cả lúc bên nụ quỳnh, ngắm nhìn nó lớn lên cùng mưa nắng. Một tuần, rồi hai tuần… những tai quỳnh duyên dáng xòe ra, cong cong mảnh mai như ngón tay thiếu nữ, ôn trọn lớp cánh cứng bên trong, chờ đủ ngày bung nở.

Mình đã vô cùng háo hức, nhưng không hiểu vì sao lại chần chừ không chịu chụp hình từ khoảnh khắc nụ nhật quỳnh này nhú lên. Và giờ thì mình cứ tiếc mãi…

Nói về chuyện tên của Quỳnh…

Hoa “Quỳnh”, mà đúng ra nên nói chính xác là chi Quỳnh, là một loài cây thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Tên khoa học của Quỳnh là Epiphyllum. Trong tiếng Hi Lạp thì epiphyllum có nghĩa là “trên lá” – vì hoa quỳnh đã đậu trực tiếp từ rìa lá.

Trước khi biết đến những hội yêu hoa quỳnh trên fb, mình chỉ đơn thuần gọi quỳnh theo màu hoa – như hồng quỳnh, hoa màu hồng; bạch quỳnh, hoa màu trắng, hoàng quỳnh, hoa màu vàng. Sau này, mới thấy xuất hiện thêm vài màu lạ như màu đỏ rượu vang hoặc màu cam. Nhưng sau khi theo dõi người chơi quỳnh ở khắp nơi đăng hoa lên hội và ghi tên chính xác của Quỳnh thì mình mới choáng vì có nhiều giống quỳnh đẹp quá. Chúng có tên gọi đàng hoàng chứ không phải chỉ gọi theo màu dân dã như vậy.

Và mình tìm hiểu, để biết…

Theo “Hội Hoa quỳnh Hoa Kỳ”, có trụ sở tại Monrovia (gần Los Angeles), thì hiện có khoảng hơn 10.000 loại quỳnh lai được đăng ký bản quyền và có tên gọi riêng. Và vài chục nghìn loại chua đăng kí tên, từ đó người ta phân loại và ghi chú “tên của hoa quỳnh” theo 3 nhóm: NOID, UNREGISTERED HYBRID và REGISTERED HYBRID.

HYBRID nghĩa là “lai”, các giống quỳnh được lai tạo sẽ thêm đuôi “hybrid”, nhằm phân biệt vơi quỳnh nguyên bản. Quỳnh lai thường có tên gọi là Epiphyllum ghép với một từ khác không có gốc latinh như Epiphyllum saigon, Epiphyllum madonna,…

NOID – là một từ viết tắt, được sử dụng làm ký hiệu chung để chỉ những giống cây không có tên/ không biết tên/ không biết nguồn gốc tác giả lai tạo.

UNREGISTERED HYBRID – dùng để chỉ các giống quỳnh lai biết tác giả, xác định được nguồn gốc nhưng vì một số lý do nào đó mà tác giả chưa/ không đăng ký tên giống quỳnh mình đã lai tạo với ESA hoặc 1 cơ quan có thẩm quyền công nhận

REGISTERED HYBRID – dùng để chỉ các giống quỳnh đã được đăng ký tên chính thức với ESA, và được công nhận bản quyền.

Cũng nói thêm rằng, việc đăng ký một cái tên khoa học cho quỳnh trải qua nhiều sự thẩm định, minh chứng rất phức tạp. Tác giả phải có cả một quá trình dài nghiên cứu từ vài năm đến vài chục năm, hoàn thành một bộ tư liệu, cung cấp nguồn gốc, ảnh chụp từ nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, phải có cả một biểu đồ mô tả quá trình sinh trưởng vô cùng chi tiết, phân loại thật chính xác, khoa học… Và phải so sánh nhiều năm để rút ra đặc tính cơ bản của giống lai mình tạo ra.

Chính vì vậy, có rất nhiều người chơi nghiệp dư đủ kinh nghiệm để lai tạo ra những giống quỳnh mới, nhưng không đủ kinh nghiệm/ kiến thức/ thời gian… để tiến hành nghiên cứu chi tiết. Vì vậy họ không cần, không muốn, hoặc không thể đăng ký tên cho giống quỳnh mà họ lai tạo được.

Giống quỳnh hồng Đà Lạt do nghệ nhân Mười Lời lai tạo là một ví dụ điển hình của nhóm quỳnh “unregistered hybrid”.

Vì vậy, nếu không biết rõ nguồn gốc của giống Quỳnh mình đang trồng thì tốt nhất nên gọi tên nó theo màu để phân biệt và ghi chú là NOID thay vì tự ý đặt cho nó một cái tên nào đó theo ý thích.

Quay về đóa quỳnh sáng nay vừa nở.

Mình đã ngắm và so sánh nó với giống quỳnh Cooperi của nhiều anh chị trên hội, và thấy nó “giống y hệt” từ lá đến nụ, đến hoa… Lúc đầu, mình thật sự vui, vì nghĩ rằng đã tìm được tên cho nó. Nhưng sau khi tìm hiểu về tên của hoa quỳnh thì mình không còn muốn “gán ghép” cho chậu quỳnh nhà mình một cái tên nào cả. Có thể Cooperi là tên đúng nhưng cũng có thể là một sự nhầm lẫn, vì lá giống lá, hoa giống hoa, ai biết…

Nên, “tên của quỳnh” chỉ đơn giản là QUỲNH thôi nhé, quỳnh ơi…!

Quỳnh đã nở hoa

Đúng 2 năm sau cái lần “tự dưng tôi muốn trồng Quỳnh” rồi nhất quyết đặt vườn Quỳnh – Chi Lăng 2 chậu ship về BD, thì sáng nay – chậu hồng quỳnh đã nở bông bói đầu tiên. Còn vài ba nụ nữa đang chúm chím, chắc sẽ nở lai rai trong tuần tới. Chậu hoàng quỳnh cũng đã tức nhánh, mầm nụ nhu nhú, nhưng thành hoa được hay không thì tôi vẫn còn chờ.

Hai năm chăm quỳnh, tôi cũng học thêm được nhiều thứ.

Ví dụ, như giá thể. Tôi đã biết cách gia giảm các thành phần khác nhau trong giá thể để cho ra loại đất trồng phù hợp với cây quỳnh sinh trưởng ở xứ nóng.

Ví dụ, như chăm sóc. Tôi đã biết cách tưới nước, bón phân, phòng ngừa nấm bệnh và chữa trị khi quỳnh bị úng, bị khô, bị đốm lá, bị thối thân…

Ví dụ, như kích nụ. Tôi đã biết cách rút nước tạo hiệu ứng sinh tồn, khiến quỳnh đẻ nhánh, bung hoa.

Ví dụ, như phân loại. Tôi đã biết nhật quỳnh có hơn 120.000 loại chứ không phải chỉ có bạch quỳnh, hồng quỳnh, hoàng quỳnh, quỳnh cam, quỳnh lửa. Và nhật quỳnh, cũng có giống quỳnh thơm và quỳnh không thơm, quỳnh cánh xoăn và quỳnh cánh thẳng, quỳnh sọc và quỳnh đơn sắc.

Tôi cũng biết lan càng cua với tiểu quỳnh không phải là một.

Và, tôi cũng biết CHỜ – ĐỢI – LÀ – NIỀM – VUI.

Như sáng nay, ngắm một nụ quỳnh e ấp, mong manh…!

Hoa hồng Odysseia

Thần thoại Hy Lạp kể rằng, xa xưa người và thần còn sống cùng với nhau. Trong tiệc cưới của nhà vua Hy Lạp Peleus và nữ thần biển Thetis, khi mọi người đang say sưa ca hát, nhảy múa và nâng ly chúc phúc thì nữ thần bất hòa Eris bất ngờ xuất hiện. Tức giận do không được mời nên nữ thần Eris cố tình thả một quả Táo vàng khắc dòng chữ “Dành cho người đẹp nhất” lên bàn tiệc rồi bỏ đi. Vị thần này biết chắc dòng chữ trên quả táo sẽ châm ngòi nổ cho cuộc chiến tranh dành danh hiệu của các người đẹp có mặt trong bữa tiệc. Và, đúng như thế, ba người phụ nữ đẹp nhất tiệc cưới hôm ấy là Athena – thần Chiến tranh, Aphrodite – thần Tình yêu và Hera – thần Hôn nhân, cũng là nữ hoàng, vợ thần Zeus, thần của các thần trên đỉnh Olympus lập tức tranh nhau quả táo bất phân thắng bại. Quá đau đầu, thần Zeus đã đưa quả táo vàng cho chàng Paris đẹp trai nhất quả đất, cũng là hoàng tử thứ hai của thành Troy, nhờ chàng phân xử. Paris trao quả táo cho thần Tình yêu Aprodite. Đổi lại, Aphrodite giúp Paris chiếm được tình yêu của hoàng hậu Helen, vợ vua Menelau xứ Sparta.

Mất vợ, vua Menelau điên cuồng trả thù, kéo luôn cả các thần trên Olympus vào cuộc, gây ra cuộc chiến thành Troy kéo dài 10 năm đầy tang thương khói lửa. Cuộc chiến này chỉ đi đến hồi kết khi người anh hùng Odyssey đưa ra mưu kế “Ngựa gỗ thành Troy” vang danh mà ai quan tâm đến thần thoại Hy Lạp hoặc đọc sử thi Iliat và Osysdey của thi hào Homes đều biết.

Xong chiến tranh, trên đường trở về quê hương, Odyssey và toàn bộ thủy thủ đoàn của chàng gặp bão biển khiến tàu đắm, kéo theo hành trình lưu lạc cực khổ suốt 20 năm sau đó.

Người ta nói rằng, chuyến hải trình tìm về quê hương của Odyssey là bản anh hùng ca vĩ đại của người Hy Lạp trong quá trình chinh phục thiên nhiên. Và, Odyssey chính là biểu tượng của tất cả những giá trị tôt đẹp nhất mà người Hy Lạp mong muốn xây dựng: Trí tuệ, chính nghĩa, dũng cảm, can trường và chung thủy.

***

Khi chọn mua giống hồng Odysseia, mình rất thú vị khi phát hiện ra giống hồng này không phải xuất đi từ Hy Lạp hay một nước ở khu vực châu Âu nào đó mà lại đến từ vườn hồng nhà ông Takunori Kimura nước Nhật. Vào Instagram của ông tìm hiểu thêm mới biết ông không chỉ lai tạo nên giống hồng tuyệt đẹp mang tên người anh hùng Odyssey mà còn tạo ra rất nhiều giống hồng tuyệt vời khác mang tên các vị nam thần, nữ thần, tiên nữ đồng nội và các người hùng trong thần thoại Hy Lạp như Iliat (là hậu duệ của Odyssey, tham gia vào trận chiến thành Troy lần thứ 2), Archilles (Một người anh hùng khác trong trận chiến thành Troy, nổi tiếng với tích “Gót chân Archille), Hector (Hoàng tử cả của thành Troy, anh trai Paris, người lãnh đạo toàn thành đứng lên chiến đấu với binh đoàn của vua Menelau), Helen (Hoàng hậu xứ Sparta, được tụng xưng là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, cũng là nguồn cơn cho trận chiến thành Troy), Penelopeia (người vợ trung trinh tiết liệt của Odyssey) …

Với Odysseia, mình hoàn toàn bị mê hoặc bởi mùi hương thảo dược thật đậm của nó, kết hợp với sắc màu đỏ thuần và những lớp cánh uốn lượn bồng bềnh như sóng biển (Tới đây, mình chợt nhớ, hình như ông Kimura rất thích lai tạo hoa hồng có kiểu cánh lượn sóng thì phải…?)

Odysseia là dạng hồng bụi cao, cho hoa chùm, rất bền. Xứ nóng như Saigon, Bình Dương cũng giữ được 4-5 ngày. Dịp Tết trời mát, hoa nở được hơn10 ngày mới tàn. Đặc biệt hoa càng héo tàn thì mùi hương càng đậm.

Giá chi vườn nhà rộng hơn một chút mình sẽ đưa thêm giống hồng Penelopeia, Daphne, Iliat hoặc Archilles về trồng, để tạo nên một khu vườn thần thoại …

P/s: Trong ảnh là hoa bói, size hoa còn nhỏ và cây chưa đủ sức để tạo nên hoa chùm. Về sau, hoa to hơn, size lớn hơn nhưng mình vẫn yêu những tấm ảnh chụp đóa hoa đầu tiên nở vào những ngày mờ sương sau Tết âm lịch.

Thêm một thông tin nữa, là các giống hoa hồng của ông Kimura càng về sau này càng ưu việt, kháng bệnh cực tốt, rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Vietnam, màu sắc ấn tượng, cấu tạo cánh đa phần là lượn sóng xếp lớp mềm mại và rất thơm. Thật đáng ngưỡng mộ và ao ước…

SÁNG MỒNG 1 TẾT 2021 – TÂN SỬU

… buổi sáng đầu năm mới trầm lặng, nhẹ nhàng, thảnh thơi. Ở phố nhưng vẫn nghe quanh quẩn đâu đây tiếng gà gáy sáng, cùng với mùi hương khuynh diệp nhè nhẹ, mùi hoa lys nồng nồng, hoa cúc ngâm ngẩm đắng, mùi hồng trà ngòn ngọt. Tất thảy tạo thành một kiểu không gian Tết mùi vị Tết mà không ngày nào khác trong năm có được.

Thành tâm thắp thêm một nén hương, cúi đầu chúc cho chính mình, cho gia đình mình, người thân của mình, và bạn bè mình đón một năm mới thật an lành, mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn.

… Và,

… đầu năm phiếm chuyện chưng cây quất ngày Tết

Chiều 27 Tết, xong công việc, tôi dạo một vòng ra chợ hoa, định bụng tìm mua một cây quất nhỏ nhỏ xinh xinh, học theo chị Vĩnh Quyên mang cây về giũ sạch đất, cắt tỉa, chưng cả cây trong lọ gốm để chơi mấy ngày Tết.

Tiếc là Covid năm nay ập đến trước tết, như một trận bão, quét sạch cả chợ Hoa. Phố vắng tanh. Hàng quán đóng cửa im lìm. Bến đò lặng ngắt. Dăm ba điểm bày bán cúc vàng trở thành ngơ ngác, lạc lõng, hắt hiu thấy tội. Tôi ngơ ngẩn đi một vòng quanh phố, lòng chùng xuống. Buồn, và thương cho một năm “Covid” tưởng đã trụ được, vậy mà phút cuối…!

Về nhà, buổi chiều rỗi việc, lướt facebook, vào page Yêu bếp, thấy chị em đang rôm rả “cãi nhau” chuyện chưng quất. Một chị nói ngoài Bắc không gọi “cái cây đấy” là “Tắc” – Đầu năm, ai cũng cầu hanh thông, suôn sẻ; chả ai muốn công việc một năm “tắc tị” nên người Hà Nội tránh dùng từ “chưng tắc” mà gọi là Kim Quất – ý là sung mãn.

Một chị khác “cãi lại” bảo rằng tắc là tiếng thông tục, chỉ dùng khi ưa uống dừa tắc đá bào thôi. Ở Miền Nam, tết đến, người ta cũng không “chưng cây tắc” mà gọi nó là cây Hạnh. Chưng cây Hạnh là cầu mong hạnh phước, viên mãn.

Lại có một bác – Tôi có lướt qua info của bác trong trang fb cá nhân, thấy bác ấy viết khá nhiều bài nghiên cứu cho trang “Tri thức Hà Nội” – bảo thôi các chị đừng cãi nhau quất với hạnh làm gì. Ngày xưa, ta không có coi trọng cây quất hay hạnh gì sất. Trong bức tranh tứ mùa, chỉ có Mai – Lan – Cúc – Trúc đại diện cho sự tinh tế, thanh cao, lịch lãm. Trước là người nhà Vua Quan, sau là nhà có chữ, sau nữa là nhà giàu chỉ chưng Mai, chưng Lan, chưng Cúc, Mùa Xuân thì chưng thêm cây Đào. Cây quất, cây hạnh gì đó xếp vào hạng “bình dân” vì người ta cho rằng quả quất mọc dày đặc – mà phàm cái gì quá nhiều, quá dày thì không quý, vì “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thêm nữa, quả quất “tròn” – nhìn bên nào cũng tròn xoe xoe, như thể nó đại diện cho sự cam chịu, luồn cúi, cố gọt cho tròn, dù trong ruột vừa chua vừa đắng. Nhưng trong dân gian, quất hay hạnh lại được coi trọng, vì vừa sai quả – đại diện cho nhà có phúc, đông con, vừa có màu vàng – đại diện cho sự bình an, may mắn. Cái sự “vo tròn” bị tầng lớp trên mỉa mai thì lại được người nông dân coi trọng – cho rằng, trong hoàn cảnh nào, quất cũng trụ lại được. Bền bỉ, miệt mài, thơm thảo. Thế nên, dân gian chuộng chưng quất chưng hạnh, quyền quý chưng cúc chưng lan.

Cuộc bàn luận chưng quất hay chưng hạnh, bình dân hay quý tộc còn rôm rả, kéo dài đến cả mấy trăm comment, tôi xin miễn ý kiến. Chỉ nghĩ cỏ cây nào cũng ham cầu sự sống. Chưng gì cũng là lòng thành, là mong muốn ta gửi vào, ít nhất với tôi là muốn đẹp nhà, mát mắt, thơm tho. Còn nhiều hơn, như mong cầu tài lộc đủ đầy thì… tùy ! (cười)

Năm nay, tôi lỗi hẹn với “quất”, với “hạnh” nhưng sau nhà tôi vẫn trồng 1 cây “tắc” lấy quả làm nước chấm, nước giải khát, lấy lá già đun nước xông, tắm gội. Buổi tối, xong công việc, tha thẩn ra vườn, nhặt nhạnh lá sâu, cắt tỉa cành cỗi, hít căng mùi hoa tắc nở cũng là một niềm vui nho nhỏ. Thế nên tôi chọn lấy 1 cành tắc sai quả, cắt mang vào cắm lên chiếc bình be bé, xinh xinh, đặt lên đầu tủ, thầm mong sao dịch bệnh sớm qua, cuộc sống an bình trở lại. Thế là đủ…

GOSPEL – đóa hồng Phúc âm

Theo tự điển GOSPEL được giải nghĩa như thế này:

“The word gospel comes from the Old English. God meaning “good” and spel meaning “news, a story.” In Christianity, the term “good news” refers to the story of Jesus Christ’s birth, death, and resurrection. Gospel music is heard in church and sung by a gospel choir”

Có thể hiểu rằng, Gospel chính là một đoạn tin tốt lành, hoan hỉ báo mừng ngày Đức Jesus tái sanh. Chính vì thế, Gospel music trở thành tên của loại nhạc thánh ca. Tìm hiểu thêm chút nữa, Wikipedia có giải thích nhạc gospel, hay còn gọi là nhạc Phúc âm, hoặc nhạc Thánh ca, được hát theo phong cách Acapella, xuất phát từ các ca đoàn người Mỹ gốc Phi. Khi hát người hát dùng tay, chân, miệng… để tạo tiết tấu giữ nhịp. Nhạc thánh ca có thể hát theo lối dẫn dụ, truyền khẩu dân gian, hoặc hát theo phong cach opera trong thánh đường; đồng thời, nó cũng được hát tại các quán rượu như một kiểu hát hiện sinh

Nụ hoa đầu tiên

Có lẽ, từ những đức tin riêng rất thành kính, mạnh mẽ mà nhà lai tạo hoa hồng nổi tiếng người Đức – Hans Jürgen Evers  – đã tạo ra một giống hồng có sức đề kháng thật mạnh mẽ, màu đỏ merlot vô cùng thắm thiết, như thể ấy là phần máu thịt mà chúa Jesus đã đánh đổi để chọn gánh lấy phần khổ nạn trên thập tự giá và mùi hương cực kỳ bền chặt, quyến rũ, như chính đức tin trọn vẹn của Ngài vậy.

Một đóa Phúc âm
Trọn vẹn hương sắc

Khi chọn Gospel, tôi không hề biết nhiều như thế. Lúc ấy, cả vườn hồng của tôi vừa trải qua một đợt nấm lá tàn phá, xác xơ. Thế nên tôi chỉ đơn thuần muốn tìm một giống hồng bụi, bền, khỏe, có khả năng kháng nấm, không vỡ phom hoa khi trồng ở miền Nam, màu tím hông hoặc đỏ đậm và NHẤT ĐỊNH PHẢI THƠM và CÓ GAI. Nhất định như thế. Với tôi, hoa hồng có đẹp đến mấy mà không thơm thì cũng giảm đi rất nhiều giá trị. Và – hơi buồn cười một chút – đó là đã hồng thì phải có gai – giống như là đàn ông thì phải có… râu vậy. Một đóa hồng thiếu hương thơm hoặc thiếu… gai thì hơi… vô duyên – ấy là quan niệm của tôi.

Và, tôi tìm thấy Gospel.

Thêm một đóa nữa
Một đóa, rồi một đóa…

Càng may mắn hơn, khi cây Gospel tôi chọn là một cây hồng già tuổi, to, sum xuê cành lá. Chỉ có điều sau khi gỡ đám giấy và dây nhợ quấn cành ra, tôi gần như bất lực vì không biết phải tỉa cành, thay chậu cho nó như thế nào. Loay hoay với Gospel tròn một tháng, tôi mới đủ tự tin chăm tỉa, tưới tắm, bón phân, phun thuốc, nhặt lá già, nâng lá yếu…

Những chiếc lá non
Những chiếc lá xanh
Nâng niu giữ lại tên em – Gospel

Không phụ công, Gospel thay lá mới, trút bỏ dần mớ lá già thô, đâm tược liên tục, ra hoa từng đợt, mỗi đợt hơn chục bông, bông nào cũng to khỏe, tuyệt đẹp – bắt đầu cho lứa đầu tiên ngay dịp 20-11 rồi lai rai đến tận bây giờ.

Những lứa hoa nối tiếp lứa hoa

Cám ơn Gospel, cám ơn những đóa hồng mang sắc hương và sự thiện lành báo tin vui thay lời kết thúc năm 2020 đầy biến động, nhiều lo toan, vất vả và mất mát này.

Cầu mong năm sau sẽ làm một năm khởi sắc, bình an.

Tháng 12/2020

Tìm cách chèn ảnh cho giao diện mới của wordpress

Chưa viết gì, vì mình đang loay hoay cách chèn hình vào bài viết ở blog mà không có cái sọc chạy ở giữa. Hơn 1 tháng nay, không biết wordpress thay đổi giao diện viết bài mới như thế nào mà mình thật sự thấy rất rối và khó chịu cho mọi thao tác, từ cách xuống dòng đến đặt tag, đặc biệt là chèn hình vào bài cực kỳ lích kích, gây bực bội…

Không biết nếu thay 1 giao diện khác thì có vướng vấn đề này nữa không!?

Update 1:

Đã thử mọi cách viết và chèn khác nhau, kết quả đều giống nhau, không thể bỏ được đường sọc khó chịu tách hình thành 2 nửa, muốn xem phải kéo như 1 cái slide trượt qua. Hơi bực…!Mà mình thích giao diện này, nếu phải đổi thì thật đáng tiếc. Nhưng đành phải thử để tìm ra cách thôi.

Update 2:

Đã thử chọn một sô giao diện mới để xem cách up ảnh có khác nhau không. Rất tiếc là không! Nhưng nhân tiện đổi giao diện, mình “thay áo mới” cho blog DVYT luôn. NHìn blog có chút đổi thay, cũng thấy vui vui mắt.

Update 3:

Có lẽ thấy mình loay hoay với cái blog mất thời gian và ngứa mắt quá, nên ông bạn Photo chạy bộ đã ra tay nghĩa hiệp, chỉ cho mình cái chỗ up ảnh đơn giản nhất để mình sửa cho nhanh. Cám ơn bạn đã cho mình thấy một người thông minh như mình cũng có vô số lần sai vớ sai vỉn như thế nào, haha…

Update cuối cùng:

Để chèn ảnh vào bài viết, cánh đơn giản nhất là làm ơn… nhìn xuống, bung cho hết các icon ẩn trong khung để có đủ lựa chọn cho mình. Hết. 😀 😀 😀

Ví dụ là đây

Và thực hành lại 1 cái, cho bớt… “nhụt” 😀

Cám bạn hiền, tui nghi chắc bạn đang vừa coi Siêu trí tuệ vừa cười haha khi tưởng tượng tới “siêu trí tuệ” của tui =))))

Hoa hồng cho tháng 11

Sáng nay mở blog ra, thấy bạn mình hỏi “Tháng 11 của bạn thế nào…?” mình đã hớn hở khoe đây là một tháng “BỎ CHẠY” đúng nghĩa đen. Mình không xỏ giày 1 ngày nào, không chạy 1 bước nào, thậm chí đi bộ cũng không. Qua một tháng 10 quá sức stress, mình kiệt sức, nhiều lúc nổi điên vô cớ nên quyết định tháng 11 là tháng mình mặc sức cho bản thân được relax và phục hồi theo cách tự do nhất. Thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, không muốn đọc sách thì không đọc, không cần chạy bộ thì không chạy. Quá phiền muộn thì xin nghỉ vài buổi dạy ở trường, miễn là sự nghỉ ngơi của mình không ảnh hưởng tới đồng nghiệp, không để người khác gánh thay tiết dạy của mình là được.

Kết quả, mình ăn ít xỉn như một con mèo ỏng ẹo, nhưng ngủ nhiều y như một con… heo. Mình có thể ngủ từ 9h tối hôm trước đến tận 5h sáng hôm sau mà vẫn thích ngủ nữa. Thích ngủ, chứ không phải là thèm ngủ hay buồn ngủ. Mình chăm vào bếp hơn, chăm nấu ăn hơn, lại còn hì hụi dọn nhà, xếp gọn gàng ngăn nắp bếp núc, tập tành nấu sữa hạt và làm nước ép rau quả.

Và mình đọc sách – một tệp tản văn mỏng mỏng của nhiều tác giả, tên là “Vàng thu phương Bắc”. Rất lâu rồi mình không thèm viết tản văn, cũng không thèm đọc tản văn của người khác… cho đến lúc tự nguyện cầm lấy “Vàng thu phương Bắc” lên, từ tốn hưởng thụ cảm xúc dàn trải của mình lẫn của người khác.

Hơn thế, mình còn mua được cuốn “Xa đám đông điên loạn” của Thomas Hardy, cả bản dịch và bản gốc tiếng Anh luôn (Tên bản gốc là Far from the Madding Crowd, xuất bản năm 1874) và vô cùng hài lòng, sung sướng. Năm 2015, cuốn Xa đám đông điên loạn đã được chuyển thể thành phim rất thành công. Mình biết thế, nhưng chưa xem, không phải vì không muốn xem, mà là muốn để dành nó như một niềm vui chờ đợi. Bởi vì, mình có được bộ sách từ một câu chuyện bất ngờ.

Chuyện là mình quyết định mua lại vài cây hoa hồng để trồng thay cho loạt hồng vừa chết, và vô tình chọn được 2 chậu hồng rất hay. Một chậu là GOSPEL, được lai tạo bởi nhà Hans Jürgen Evers tài năng nước Đức; còn chậu kia là BATHSHEBA, được thánh hoa hồng David Austin lai tạo, lấy cảm hứng từ nữ nhân vật chính trong tác phẩm “Xa đám đông điên loạn” của Thomas.

Bathsheba, đưa về được 2 tuần, bắt đầu lên tược non

Với bản tính có chút lãng mạn phù phiếm, mình vừa bất ngờ, vừa sung sướng khi vô tình có được 2 chậu hồng tuyệt vời này. Gospel vốn khỏe mạnh nên về đến nhà, sau vài đợt tưới bón đã nở hoa liên tục suốt tháng 11, thơm ngát, mượt mà như một sự vỗ về, an ủi dành riêng cho cái người làm nghề đi dạy là mình. Bathsheba thì chưa, mình đang chăm chút và chờ đợi. Khi đưa Bathsheba về, nó gần như chỉ còn cành trơ trụi, tả tơi, kiệt sức sau 1 đợt bị cắt tỉa rất sâu của nhà vườn. Vậy mà chỉ qua 1 tháng, những chồi non vươn lên xanh mướt, y như tính cách mạnh mẽ và kiêu hãnh của cô nàng Bathsheba trong tiểu thuyết. Không biết, khi ra hoa thì Bathsheba còn đẹp nhường nào. Thật sự mình quá nể ngài David, một người đàn ông không chỉ tài năng, tinh tế mà còn lãng mạn thượng thừa.

bathsheba, sau 1 tháng tròn, đang xanh tươi cả một góc vườn

Nghe nói đầu năm 2019 ông đã và đang tiếp tục lai tạo giống hồng Gabriel Oak – cảm hứng từ nam chính trong “Xa đám đông điên loạn”, người đàn ông đã bao dung, che chở và yêu Bathsheba vô điều kiện. Giống hồng mang tên Gabriel Oak sẽ cho màu đỏ rượu vang như tính cách nam chính, và mùi hương mạnh mẽ, ngọt ngào như tình yêu của ảnh vậy. Trời đất ơi, mình muốn lục tung tất cả các vườn hồng ở từ Bắc tới Nam để tìm Gabriel Oak về cho Bathsheba quá đi mất thôi…

Tháng 11 của mình trôi qua như thế đấy. Trễ nãi một chút. Buông lơi một chút. Dịu dàng một chút. Tự tưởng thưởng cho bản thân một chút. Còn bạn, dù tháng 11 của bạn có những bất toàn nhưng mình thật sự thấy vui hơn khi biết bạn cũng tìm được cho bản thân vài niềm vui nho nhỏ. Hôm nay là ngày 1 tháng 12 rồi, tháng cuối năm rồi đó, cái gì cần dứt điểm nhớ dứt gọn gàng nha bạn tui.

À, mà tự dưng rất muốn hích bạn một cái, hỏi “giờ bạn muốn tui gọi tên bạn là gì thì nói tui nghe đi, chớ gọi bạn bạn hoài mỏi miệng muốn chết. Bạn hiểu hông? :D”

Sandwich sữa yến mạch

Lâu lắm rồi mình mới lại lọ mọ làm bánh mì. Cảm giác có chút ngỡ ngàng. Không đến mức vụng về lúng túng hay quên trước quên sau, nhưng mọi thứ rõ ràng không mượt – tức là nó cứ gường gượng, giống y cái kiểu người ta đã từng hiểu nhau đến chân tơ, rồi vì dăm ba chuyện không còn thân thiết với nhau nữa, nay có dịp quay lại ngồi với nhau uống miếng nước, chân tay tự dưng thừa thải. Đến cả cái việc làm xong, chụp hình xong cũng ngại ngần đăng lên khoe; thế nên cứ chùng chình kiếm cớ trì hoãn…

Bánh làm gần 3 tuần trước rồi đấy. Ẩm mượt và vị cực ngon. Cám ơn Vũ (Nguyễn Sĩ Nguyên Vũ) rất nhiều vì cứ lâu lâu lại nhắn tin hỏi thăm, động viên, trợ giúp chị bất kỳ lúc nào để giúp chị nhen lại ngọn lửa “sourdough bread”

Lúc đưa ảnh chụp mấy ổ bánh lên fb, Vũ lại nhắn hỏi “chị cho bao nhiêu bột vào khuôn đấy?” làm mình phì cười. Cũng tại lâu lắm rồi, mình chỉ làm bánh mì theo cảm nhận, chả cân đo đong đếm gì, toàn áng chừng với nhắm nhắm y như nấu cơm, kho cá vậy thôi. Thế nên hôm thừa 1 tí, hôm lại thiếu 1 tí. Bánh cũng không ổn định, hôm thì vừa vặn 1 khuôn, hôm lại bị hụt một chút, lố một chút…

Thôi thì vì câu nhắc khéo của Vũ, mình ghi nhanh tỉ lệ vào đây, để mai mốt (có khi đến năm sau không chừng) làm lại, đỡ phải níu áo Vũ hỏi cho bao nhiêu bột thì vừa :))))

Tỉ lệ cho sandwich sữa dùng men sourdough – đây là sandwich ngọt nên lượng đường sẽ lớn hơn 5%.

  • 50% Bf, 35% bột yến mạch mịn, 15% Whole wheat thô + 1 muỗng canh sữa bột
  • 70% hyd (tính tổng chất lỏng, kể cả trứng gà, mật ong và sữa yến mạch)
  • 100% sd levain (stiff, 70% hyd)
  • 30% đường, 1,5% muối, 15% bơ và 1 chút vanilla extract

Nhồi đạt 80%, lấy ra ủ ngăn mát tủ lạnh qua đêm, chờ bột nở chậm x2, hôm sau lấy ra chia phần, vo viên, tạo hình.

Với khuôn bánh gối nắp đậy của suncity, mình cho mỗi khuôn 1 dought bột tầm 500gr, có thể ít hơn 1 tí, nhiều hơn 1 tí, dao động từ 470 – 530gr.

Ủ bột nở gần đầy miệng khuôn thì nướng. Nhiệt lò 210 độ C, nướng 20p thì trở mặt bánh, hạ nhiệt còn tầm 190 độ. Tổng thời gian nướng không được quá 60p để bánh không bị khô.

Bánh chín, lấy ra khỏi lò, chờ 15-20p để bánh giữ form, định hình thì đưa bánh ra ngoài, không để nguyên tong khuôn làm bánh bị hấp hơi nước, mau thiu.

Lâu quá không làm, đến con dao cắt bột ở đâu cũng chả nhớ, đành vơ vội con dao cắt thịt chia bột luôn :)))
whole wheat và yến mạch cho ra dough bột vừa ẩm, vừa ngọt tự nhiên, lại rất thơm. Mình cực kỳ thích sự kết hợp này. Mỗi tội nhồi bột hơi oải.
Mượt và mịn, thêm vào đó, rất thơm. Chỉ tội cho vào khuôn bao nhiêu bột là cả một sự nổi loạn :))))
Bánh mới nướng, mềm ẩm đến mức không dám bóp chặt tay khi cắt lát nên phải lật ngược, cắt từ đáy 😀
Với mình, cắt bánh ngay ngắn, không méo xẹo là công đó khó nhất trong mọi công đoạn làm bánh 😀

Tháng 10 – tháng thất thu

  1. Chạy bộ:

Đầu tháng 10, mình có kha khá nhiều dự định, trong đó, đáng kể nhất là dự định tham gia giải VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020 đầu cầu Bình Dương, một giải chạy kết nối runners cả nước chạy tiếp sức để gây quỹ ủng hộ cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid. Giải chạy có 3 cự ly: 42km, 21 km và 10km, tổ chức sáng chủ nhật ngày 18/10/2020 trong khu Thành phố mới, phía trước trung tâm hành chính. Em Thanh đã thuyết phục và đăng ký cho cả 2 mẹ con mình cự ly 10km. Mình khá hào hứng. 10km mình chưa chạy thử lần nào nhưng cảm nhận được các buổi tập chạy đến 7km mình vẫn ổn, vẫn vui, không bị quá tải.

Thế rồi trước giải chạy 1 tuần, trời mưa bão liên miên dồn dập. Và y như rằng, sau đợt mưa đầu mùa mình ốm lăn ốm lóc. Cả con trai cũng bị sốt. Chiều thứ Bảy, trước ngày chạy, em Thanh đến thăm 2 mẹ con, đánh giá tình hình và quyết định “cấm thi” – lý do “chạy 10km trong điều kiện người thì sốt, trời thì bão là về sụm luôn. Không cần phải đánh đổi sức khỏe như thế”

Lai rai từ đó đến cuối tháng, mình sốt đi sốt lại, dây dưa không dứt, số buổi chạy rơi rụng. Có lần được 1 km, có lần 3km, cao nhất là 1 lần 5km, còn lại chỉ tầm 2 km thôi, chạy lừ đừ, váng vất nhưng không muốn bỏ cuộc, nên cố hết sức duy trì.

Việc tới phòng gym tập thể lực của mình cũng bị gián đoạn, lý do khách quan thôi: không thu xếp được công việc. Các giờ dạy phụ đạo buổi tối mang tên “trách nhiệm, không thể không nhận” khiến quỹ thời gian của mình trôi về âm vô cực. Thực sự, mình thấy mình sắp bị nghiền nát trong vòng quay công việc – công việc – công việc này rồi. Nhiều lúc, mình stress và ức chế khủng khiếp. Quyết định quay lại trường làm toàn thời gian của mình có lẽ là quyết định sai lầm lớn nhất kể từ khi bỏ Đà Lạt về đây lập nghiệp. Làm gì bây giờ? Bỏ hết tất thảy, mạo hiểm xin dạy theo tiết, dành nhiều thời gian cho bản thân hơn – nhưng cũng mạo hiểm và nhiều rủi ro hơn nếu có biến động – ví dụ như dịch bệnh; hay cố gắng duy trì và từng bước vượt qua thời điểm mệt mỏi này ? là câu hỏi thường trực trong đầu mình, suốt 1 tháng qua. Hỏi, và day dứt chứ không thể trả lời được…!

2. Trồng hoa hồng

Sau 1 tháng mưa bão triền miên, lần lượt những cây hoa hồng của mình bị nấm lá, đen thân và lần lượt rủ nhau ra đi. Thêm nữa là tâm trạng mình quá tệ cùng với bịnh hoài nên mình bỏ kệ vườn hồng. Hôm qua, mình gần như phải dọn sạch cả khu vườn, cắt tỉa, bỏ hết những cây hồng bịnh nặng không thể cứu chữa, phục hồi và thuốc men lại cho những cây còn có khả năng sống sót sau mùa bão.

3. Làm bánh, đọc sách, xem phim, nghe nhạc và những điều nhỏ nhặt khác

Suốt cả tháng, mình mở lò được đúng 2 lần, làm 3 ổ bánh mì sandwich nguyên cám để tiện cho việc ăn trước khi tập. Còn lại thì thôi. Nấu cơm bữa đực bữa cái, ăn ngoài nhiều hơn ăn nhà. Cái nồi chiên không dầu háo hức đem về, 1 tháng rồi còn nguyên chưa dùng ngày nào. Khuôn bánh trung thu, khuôn bánh mì cũng thế, nằm im lìm trong hộp – mua để… ngắm là chính, không tha thiết động tay vào làm thử.

Sách hầu như lười đọc, mua xong chất 1 đống. Nhớ hôm nào đó vô tình đi xem hồng, rồi lướt qua fb cậu gì nhà văn trẻ, đọc mấy đoạn trích cậu ấy dịch từ cuốn Đồ Nhiên Thảo của Urabe Kenko, mình thích quá. Thế là tìm mua bằng được. Thêm cả cuốn Hà Nội bảo thế là thường của Trương Quý và Ngàn cánh hạc phiên bản đặc biệt của Kawabata. Ấy vậy mà cầm về không thể nào đọc nổi vài trang cho tử tế. Mọi con chữ trượt qua đầu mình như nước trượt lá khoai, chả thấm lấy 1 chữ.

Nhạc không nghe.

Phim không xem.

Chả biết 1 tháng qua ngoài công việc và vài lần chạy bộ thì mình làm được cái chết tiệt gì nữa.

Với mình, tháng 10 năm nay là 1 tháng thất thu ! Rất tệ…

Running tháng 9

Tháng 9 – Tôi bắt đầu chạy đều chân hơn, không còn cảm giác “sợ chạy” nữa. Thành tích tốt nhất mà tôi đạt được là chạm mốc chạy bền 5km. Nếu nhìn vào pace thì hẳn là rất bèo, tầm 8 – 8.5, có khi còn đến 9 – nghĩa là chỉ nhanh hơn đi bộ một xíu. Còn nói như em Thanh – PT hướng dẫn chạy bộ của tôi – thì đấy là “chạy lúp xúp” để tim quen dần với nhịp độ chạy. Điều đáng mừng là chuyện chạy bộ với tôi không còn là ác mộng nữa. Việc trước khi vào tập chính phải lên máy chạy 1-2 km tôi thấy cũng bình thường. Đến phòng tập thì tự giác chạy thôi. Hoặc, hôm nào không ra phòng tập thì sáng sớm dậy chạy nhẹ nhàng 2km trước khi đi làm. Tôi cũng đã đạt được “ước vọng” chạy 1 km không nghỉ đề ra trong tháng 8. Thời gian nghỉ giữa các khoảng chạy cũng ngắn hơn, lại sức nhanh hơn.

Hôm qua, em Thanh có hỏi tôi dạo này chị còn bị cơn đau tim nào hành không, tôi cười toe toét, bảo KHÔNG. Thật ra những cơn đau tim bất chợt vẫn còn, nhưng đến nhẹ và nhanh, chỉ thắt lên một chút rồi hết, không còn những cơn đau khiến tôi xanh mặt, choáng váng run rẩy như trước nữa. Việc hô hấp của tôi cũng cải thiện nhiều, rõ nhất là khi lên cầu thang không còn phải dừng lại để… thở. Hơi thở lúc chạy cũng đều và bình ổn hơn. Đây là điều mà tôi không bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày mình làm được !

Thêm một sự động viên nữa, đó là việc chạy bộ của tôi đã dần dần khiến con trai tôi thay đổi. Thằng nhóc bắt đầu mang giày vào và chạy cùng mẹ. Thời gian đầu nó bị tôi bỏ rơi, nhưng chắc chắn chỉ 1 tháng nữa thôi, nó sẽ “cho tôi hít khói” – Và tôi rất vui mừng khi thấy điều đó.

Ngày 18/10 này Bình Dương có tổ chức 1 giải chạy Marathon ở Thành phố mới, em Thanh khuyến khích hai mẹ con tôi đăng ký Giải chạy 10 km.

10Km thì hơi quá sức vì tôi chưa làm quen với bất kỳ giải chạy nào, nhưng Thanh nói em thấy chị và cháu chạy được. Cứ giữ đúng tốc độ như khi luyện tập thì 10km không có gì khó đâu, chỉ hơi mệt hơn bình thường một chút thôi. Tôi đang còn suy nghĩ, vì như tôi đã tự đề ra, CHẠY, là để cải thiện sức khỏe chứ không phải để lấy thành tích. Việc tham gia một vài giải chạy bộ nào đó sẽ cho mình thêm động lực chứ không phải kiệt lực !

À, ngày 30/9 năm nay cũng chính là Rằm Trung Thu. Đây là năm đầu tiên tôi không làm bánh. Cũng có chút tiếc nuối, bởi đầu mùa tôi có sắm cho mình bộ khuôn bánh rất đẹp. Nhưng vì mục tiêu giảm cân, bớt ăn ngọt, tăng cường sức khỏe nên đành cất khuôn đi vậy. Hẹn Trung thu năm sau…

Đây là kết quả chạy “lai rai” của tôi trong tháng 9.

_______________________

Ơ kìa, WordPress đổi giao diện đăng bài viết và làm tôi lúng túng vì chưa quen với các thao tác mới. Kết quả tôi đã mất cả tiếng đồng hồ chỉ để đăng vài con chữ ghi vội và mấy tấm ảnh cap màn hình. Có khi tôi già thật rồi, đến wordpress cũng biết cách làm khó :))))

Hoa hồng nơi khác

Cái note này dành cho những chậu hồng tôi đã từng đưa về, rồi lại đưa đi, vì nhiều lẽ khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là “không hợp”!

Thật ra, trước khi viết tôi hơi tiêng tiếc mớ hình hoa hồng trong máy. Nhiều hình quá, đẹp quá, nhiều cảm xúc quá, gợi nhớ quá. Hoa đời đầu mà – giống tình đầu, có “thôi nhau” rồi thì vẫn cứ thấy tiếc hoài…! Thế nên tôi cứ lần chần, bụng bảo dạ hay là để qua cái đợt cao điểm lắm việc đầu năm nay đi, rồi từ từ viết riêng cho mỗi đứa “tình đầu” kia mỗi note, xong đưa hết hình chúng nó vào đó, để lâu lâu tua qua ngắm cũng vui. Nhưng rồi lại nghĩ, làm thế, khác nào “đã thôi nhau” rồi còn cố đưa nhau vào bộ sưu tập, có dịp là khoe mẽ “ngày xưa đã từng”…!? … Thế nên thôi, dù có bao nhiêu hình thì chúng ta cũng chia tay nhau rồi. Các em đều đã thành hoa hồng nơi khác cả rồi nên tôi chỉ điểm qua một tí.

Trong 5 chậu hồng đầu tiên bê về nhà nuôi dưỡng, có 2 chậu “đúng gu” nên được tôi giữ lại tiếp tục chăm sóc là hồng Thạch Lam Kinda blue và hồng Cúc Firework Ruffle. Ba chậu còn lại, gồm Glamis Castle, Strawberrry Maccaron và Guirlande L’amour đã được đưa về vườn em Như, 1 cô gái cũng rất nghiện hồng.

Vốn dĩ trước khi đặt mua bất kỳ giống hồng nào tôi cũng search thông tin, để xem nó có hợp với sở thích cá nhân và điều kiện chăm dưỡng hay không. Nhưng rồi, sau một thời gian đặt, mua, trồng, thanh lý tôi mới “ngộ” ra 1 điều cực kỳ đơn giản: không phải điều gì các nhà vườn ghi chú cho giống hoa họ bán cũng đúng, vì thực tế là họ cũng không biết rõ. Giữa thiên la địa võng 3 vạn giống hồng họ chỉ biết một ít, còn lại  họ search thông tin có sẵn trên mạng để tiện cho việc giới thiệu mua bán mà thôi. Ngược lại, nhiều nhà vườn xuất thân từ người chơi hồng nên có thâm niên, biết rất nhiều nhưng cái họ biết họ sẽ giữ lại để trao đổi với khách ruột, còn với khách vãn lai thì… thôi. Vui vẻ cứ xem, ưng thì chọn, được thì chốt, còn trồng có đúng ý hay không là chuyện khác…

Thế nên, sau khi trồng và chăm hồng được 6 tháng, tôi dần dần nhận ra những giống hồng bụi cứng cáp, mạnh mẽ, có gai, có cá tính, màu sắc rõ nét như Kinda blue hay Firework Ruffle hợp với tôi hơn những giống hồng quá mềm mại, dịu dàng nữ tính như Glamis hay Maccaron.  tôi gửi lại các chậu hồng “có duyên” nhưng không trọn vẹn ấy cho Như, nhờ em chăm sóc tiếp. Hy vọng qua vườn nhà em, các chậu hồng sẽ trưởng thành và bung hương sắc.

Glamis castle rose

Glamis castle rose

Strawberry Maccaron Rose

Thêm vào danh sách các chậu hồng đã về vườn khác còn có chậu hồng Tezza đỏ và chậu hồng Tuscan cam cá hồi.

Tôi không thích lắm những giống hồng cho hoa đỏ, nhưng lại quyết định chọn một chậu hồng nhung là vì cái tên “hồng Don Joan” rất gợi sự phụ bạc, đa tình của nó. Don Joan là giống hồng nhung màu đỏ thắm do Michele Malandrone lai tạo tại Italia năm 1958. Khi được người Pháp đưa vào Việt Nam thuần dưỡng, hồng nhung Don Joan được mang cái tên mới – bình dị và mang tính vùng miền hơn nhiều: hồng cổ Hải Phòng. Ấy thế nhưng sau vài đợt hoa, tôi lờ mờ nhận ra chậu hồng nhung người ta gửi cho tôi không phải là chậu hồng Don Joan trong truyền thuyết, mà là Tezza đỏ, hay còn gọi là Terazza Fuchia hay Hoa hồng hạnh phúc. Thế nên tôi tặng lại chậu hồng này cho 1 cô gái khác. Cô thích hoa hồng nhưng chưa chăm bao giờ, và Tezza là lựa chọn phù hợp vì nó là giống hồng sai hoa, dễ chăm, dễ lớn.

Tezza Đỏ

Tezza đỏ

Tezza đỏ

Riêng chậu Tuscan lại là một câu chuyện khác nữa. Nó là chậu hồng tôi mua một cách ngẫu hứng trong siêu thị, giá 180k. Thường, các chậu hồng được bày bán trong siêu thị là loại mua về chưng chứ không phải để trồng, bởi chúng chỉ bung được mỗi một đợt hoa chính, rồi lay lắt thêm 1 đợt hoa phụ nữa là tàn rụi. Tôi biết thế, nhưng chả hiểu điều gì khiến tôi bỏ chậu Tuscan vào giỏ hàng, để rồi khi về nhà phải ngẩn người vì kiểu mua hết sức tùy tiện của mình.

Trót mua thì chăm vậy. Tôi chăm chậu Tuscan cũng y như chăm Kinda blue hay các chậu hồng khác: cẩn thận, đều đặn và không thiên vị. Ngạc nhiên làm sao, sau 6 tháng, chậu Tuscan vượt qua được “định mức” chỉ sống 2 mùa hoa để bung lụa rực rỡ. Mỗi đợt bông đều ra rất nhiều, bền màu và lâu tàn. Giống hồng này rất khỏe, suốt thời gian chăm sóc tôi chưa thấy nó bị đốm lá, nấm bệnh bao giờ. Chỉ tiếc là mùi hương của nó rất nhạt nhòa, gần như không có bản sắc gì đáng kể! Tháng trước, có một cô giáo tới chơi nhà và tỏ ra thích thú chậu Tuscan vì màu cam và sự khỏe khoắn của nó, thế nên tôi đã tặng lại cho cô.

Tuscan rose

Tuscan rose

Tuscan rose

Sau khi cho/ gửi/ tặng/ thanh lý một số chậu hồng, tôi nghĩ là mình có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc “tuyển chọn” hồng qua… facebook (cười). Hy vọng, những chậu hồng sau này sẽ yên an trong vườn nhà, thay vì đi về nơi khác…

COUNTRY BREAD, with 40% wholegrain

Đây là lần thứ 4 mình thử làm sd bread với 40% wholegrain, 10% rye, 80% hyd theo phương pháp tách dough (splitting dough method) của cô Fullproofbaking. Đúng 1 tháng, cứ chờ đến cuối tuần là mình lôi bột ra thử. Kiên trì thử đúng 1 tỉ lệ, 1 cách làm, quan sát, học hỏi và rút kinh nghiệm. Cũng may, vụ thử lần này mình không phải làm một mình mà có em Việt Bích Hoàng cùng tham gia nên 2 chị em trao đổi qua lại cũng vui. Thêm nữa là có Vũ- Nguyễn Sĩ Nguyên Vũ mách nước cho chỗ bí nên mình có thêm động lực.
.
Lần thứ 1 – fail toàn tập ngay từ khâu nhồi bột. Cả 500 gr bột càng nhồi càng biến thành một mớ bùn nhão. Phải bỏ không gỡ gạc được. Đúng ra, có thể thêm bột nhồi đế pizza hay gì đó, nhưng mình không muốn ních thêm 1 bụng bột mì vô cái thây béo mầm này, nên thà bỏ còn hơn làm cố, ăn xong lại hì hục tập thể dục
.
Lần thứ 2 – vẫn fail ngay phần nhồi (có lẽ hyd cao quá, thêm tỉ lệ WW cũng cao nữa nên càng khó) nhưng còn xử lý, gỡ gạc được thành 2 ổ bánh tròn ủm, không có tai.
.
Lần thứ 3 – nhồi đã quen tay, cảm bột đã tốt hơn, biết tự co giãn khi nhồi. Dough bột bắt đầu ổn nhưng bánh không có tai đẹp. Nó chỉ nhú lên một xíu dù bánh căng tròn, vỏ mỏng tang.
.
Lần thứ 4 – wow… mình thốt lên ngay khi mở nắp nồi. Một ổ bánh đẹp như ý. Màu vỏ đẹp, form đẹp, texture đẹp, vỏ bánh cực mỏng, đặc biệt cái tai đúng như mình luôn hướng tới: tai mỏng, nứt vòng cung 1 đường thật gọn, thật nét, nở bung dứt khoát, không dính lằng nhằng, dây dưa.
.
Đúng là practice makes perfect…! (Thật ra, cái bánh này chưa phải perfect. Nhưng hãy cứ tâm niệm Practice makes perfect để mỗi lần luyện tập lại thấy mình tự “perfect” dần dần
.
.
Nếu các bạn yêu thích thú vui làm bánh mì sd, thì hãy luyện tập thật nhiều, đồng thời cần cho mình thời gian để tự đặt mục tiêu để hướng tới. Đang mới bắt đầu thì chỉ cần nuôi men cho tốt, rồi bánh ra hình dáng, nở ổn, vị ổn là được. Làm lâu hơn chút thì bắt đầu tới việc cải tạo hương vị, hoặc chỉnh sửa form. Hơn nữa thì tới màu sắc vỏ bánh, tai bánh… Cứ từng bước như vậy từ từ đâu sẽ vào đó, hén.
Cách làm và việc giải thích từng bước cô Fullproofbaking nói rõ trong clip, mình để link ở đây, ai có hứng thú làm theo thì thử cho biết. Mình khuyến khích làm vì phương pháp nào cũng có cái hay, và cho mình nhiều trải nghiệm. Muốn bánh đa dạng, phong phú thì nên sáng tạo, tự do, học hỏi, trải nghiệm hơn là làm mãi 1 công thức. Loại bột các bạn tự chủ thay đổi tùy theo bột nhà có. Tốt nhất, và đơn giản nhất vẫn là rye và WW.