Thanh long sourdough bread

Levain: tỉ lệ 11, dùng trực tiếp thanh long nhuyễn để trộn

Mấy ngày qua, tivi, báo chí ca ngợi không ngớt món “bánh mì Thanh long” của bác Kao Siêu Lực. Nhiều báo còn viết “bánh mì thanh long là bánh mì duy nhất trên thế giới…” … Mình hiểu, trong cơn “nước sôi lửa bỏng”, dịch bệnh hoành hành, nhà nông điêu đứng, kinh tế ảnh hưởng đến từng người dân thì bất kỳ hành động chung tay tương trợ nào cũng được báo chí tôn vinh, ca ngợi, ủng hộ.

Nhưng… “bánh mì thanh long là bánh mì duy nhất trên thế giới” là không đúng. Ai nuôi men tự nhiên và theo đuổi dòng bánh mì chua (sourdough bread) cũng biết người làm bánh mì đưa các nguyên liệu tự nhiên như củ, hạt hay hoa quả (thanh long, gấc, bơ, dừa, sầu riêng, lekima, khoai vàng, khoai tím, cà rốt, bắp ngọt, quả olive…) vào dough bột bánh mì để vừa tạo thêm hương vị vừa tạo thêm màu sắc cho bánh là điều hết sức bình thường. Vietnam mình không phải là nước đầu tiên hay “duy nhất” dùng thanh long đỏ làm bánh mì đâu. Có chăng, thì phải nói đây là lần đầu tiên ở Vietnam, thanh long  ruột đỏ được dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh mì để bán với số lượng lớn cho người tiêu dùng thôi.

Levain, nở đạt sau 3,5h cấy

Nhưng, lại nhưng, nhờ ý tưởng và sự chia sẻ của bác Kao Siêu Lực mà vụ thanh long đỏ đang ách tắc không xuất khẩu được của người dân đã được giải cứu một cách hữu hiệu. Đồng thời, cũng từ đấy mà hội chị em homemade có thêm nhiều ý tưởng hay từ việc sử dụng quả thanh long đỏ cho các loại bánh trái như bánh mì ngọt, bánh mì bơ, bánh crepe, cupcake, smoothie, kem, chè… rất thú vị và sáng tạo.

Bản thân mình vốn không thích chuyện “đu trend”, cứ thấy cái gì vồ vập quá, chộn rộn quá là mình né tránh nên từ sau khi việc dùng thanh long đỏ biến thành “hot trend” thì mình đâm ngại, không muốn động vào. Đợi khi nào nó hết hot thì lọ mọ làm sau nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy việc làm sourdough bread là niềm vui của riêng mình, và dùng thanh long đỏ để tạo màu là ý tưởng không tệ. Chỉ vì “né trend” mà bỏ qua một loại nguyên liệu tự nhiên thú vị như thế thì vô lý. Thế nên thôi, gạt hết mọi ngại ngần, nhân mấy ngày rảnh cuối cùng trước khi học sinh đi học trở lại, mình cũng thử một mẻ thanh long sourdough bread cho vui, vừa test thử xem màu bánh có “bay đi” không, lại vừa test xem độ ẩm, độ xốp, mùi vị của bánh thế nào…

Autolyse: tổng 500gr bột với 346gr chất lỏng, trong đó có 80% là thanh long nhuyễn, 20% là nước lọc

Ghi chú nhanh phần nguyên liệu:

-500gr bột mì (85% BF, 15% Rye)

– 345gr chất lỏng, tương đương 70% hyd (trong đó 80% là thanh long đỏ xay nhuyễn, 20% là nước)

+ thêm 30gr mật ong và 20gr dầu olive

– 100gr levain (=20%)

– 10gr muối = 2%

Tổng dough bột: 1000gr.

Dough bột sau khi S&F lần 2

Process:

  • Levain cấy với thanh long nhuyễn, tỉ lệ 1-1, để x2 (3,5h)
  • Autolyse 45 phút.
  • Mix well, nghỉ 60p, S&F lần 1, nghỉ 60p, S&F lần 2, đợi buck vừa đạt (thể tích bột x2) thì preshape, sau đó bench rest 30p và final shape.
  • Full proof trong tủ mát, qua đêm.
  • Nướng vào sáng hôm sau, nhiệt 230 độ – 30p đầu đậy nắp, 10p sau mở nắp, hạ nhiệt 200.
Full proof, chuẩn bị nướng
Score tạo hình ổ 1
Score tạo hình ổ 2

Kết quả:

– Dù đã có sự đoán trước, nhưng khi mở nắp nồi ra, mình vẫn bật cười khi thấy màu hồng của thanh long bay sạch sành sanh, từ vỏ bánh đến ruột bánh không còn một tí gì, ngoại trừ mớ hạt đen lấm tấm.

– Kết cấu bánh xốp ẩm bình thường, không có gì đặc biệt… Vị hơi chua hơn bình thường chút xíu dù mình đã cắt bớt thời gian ủ dài.

– Mùi thanh long cũng hoàn toàn không có. Thanh long vốn không có mùi rõ ràng, ăn tươi cũng không ngửi rõ nên sau khi nướng thì bị mùi bột, mùi men át đi hết sạch.

Tóm lại, nếu không có dough bột chưa nướng chứng minh đây là ổ bánh mì thanh long thì có cam kết kiểu gì người ta cũng không tin mình đã cho mấy quả thanh long vào, hihi…

Mở nắp, và… bay màu 🙂

Khi nói chuyện với Vũ, một SD bread baker xịn, cậu ấy có giải thích về biến nhiệt, độ Ph và màu sắc tự nhiên của hoa quả để mình hiểu thêm, tuy nhiên, giữa hiểu và làm đạt yêu cầu là hai chuyện khác xa nhau. Vì thế, coi như lần này mình làm cho vui, nếu có thời gian, mình sẽ làm lại, nhưng với kiểu bánh mềm, nhiệt ít hơn, thời gian nướng nhanh hơn (như sandwich chẳng hạn) để xem màu sắc, mùi vị có giữ lại được tí nào không…

 

Bánh lưỡi mèo

Bánh lưỡi mèo, bánh đồng xu, bánh ngói là bộ ba cookies chuyên tận dụng lòng trắng trứng, đánh bông với bơ đường rồi thêm bột mì và nướng giòn. Bánh đơn giản nhưng ngon, dù làm kiểu “classic” tức là chỉ thuần bơ – đường – lòng trắng trứng – vani và bột hoặc có sự “phăng-ta-di” bằng cách thay đổi 1 phần bột mì bằng bột hạnh nhân, bột matta, bột cacao và rải thêm các loại hạt như hạnh nhân cắt lát,mè rang, dẻ cười đập vụn… Ngon nhất là những chiếc bánh được nướng hơi quá lửa, để phần viền bánh xem xém nâu vàng; lúc ấy mùi caramel dậy lên rất rõ, bánh lại giòn tan, quyện với mùi bơ, mùi bột, mùi vani… phải nói là thú vị khó cưỡng.

Khi tìm hiểu thêm một chút về bánh lưỡi mèo, mình khá ngạc nhiên và thích thú với cái tên của nó. Mình cứ tưởng đây là cái bánh thuần túy Việt Nam vì từ hồi nhỏ, năm nào têt đến cũng thấy mẹ mình mua về đãi khách; hoặc do bà con ta sáng tạo từ lòng trắng dư, trộn bạt bánh xong thì bắt dài dài, nhỏ nhỏ xinh xinh như cái lưỡi mèo để nướng cho dễ rồi gọi luôn thành tên Bánh lưỡi mèo. Nhưng hóa ra không phải, bánh lưỡi mèo có “bánh gốc” đàng hoàng, tên tiếng Anh của nó là Cat’s tongue (Lưỡi mèo), còn tên tiếng Pháp là Langues de Chat (tra google dịch nghĩa là “ngôn-ngữ-trò chuyện”). Song, thú vị hơn nữa là nó không bắt nguồn từ bữa trà chiều nước Anh, hay ra lò trong những Bakery sành điệu nước Pháp mà lại xuất xứ từ Tây Ban Nha, ở thế kỷ 17. Sau khi du nhập qua Pháp, bánh lưỡi mèo rất được ưa chuộng và trở thành một thức bánh thông dụng, đến mức được đặt tên Langues de Chat. Và, mình cứ tưởng tượng cái bánh lưỡi mèo này có lẽ rất giống miếng trầu (miếng trầu là đầu câu chuyện) trong văn hóa Việt Nam.

Cách làm bánh lưỡi mèo cực dễ. Nguyên liệu lại đơn giản. Tỉ lệ cơ bản là đường = lòng trắng trứng = bơ = 80% bột mì, thêm chút va ni và chút muối để bánh đậm đà.

Cụ thể, để làm ra chừng 80-100 cái bánh lưỡi mèo, như sau:

– 250gr lòng trắng trứng

– 250gr đường (có thể là đường xay, đường cát hạt mịn, hoặc pha trộn một thêm một ít đường vàng, đường nâu đều được)

– 250gr bơ loại ngon (mình thích dùng bơ President)

– 300gr bột mì đa dụng (muốn bánh ngon hơn, có thể thay một phần bột mì đa dụng = bột hạnh nhân, tỉ lệ từ 20-50% đều ngon cả)

– 1 muỗng cafe (1 tsp) vanilla extract

– 1 nhúm nhỏ muối (Nếu dùng bơ mặn thì khỏi cần thêm muối)

– Một ít hạt để rải lên mặt bánh cho thơm (hạt mè, hạnh nhân lát, dẻ cười, … tùy ý)

  • Để bánh có nhiều hương vị, sau khi đánh xong bơ-đường-trứng mình chia hỗn hợp làm 3, chia lượng bột làm 3, thêm vào lượng bột thứ nhất 5gr bột macha, lượng bột thứ 2 là 15gr bột cacao nguyên chất, lượng bột thứ 3 để nguyên

Cách làm:

1. Chia bột làm 3 phần, mỗi phần trộn thêm matcha, cacao hay để nguyên tùy ý, thêm chút xíu muối vào, rây mịn.

2. Lòng trắng trứng đánh vừa tan, không cần bung.

3. Cho bơ (để nhiệt phòng vừa đủ mềm, ấn tay vào được nhưng không bị chảy) vào bowl, dùng máy đánh cho nhuyễn bơ thì từ từ thêm đường, đánh bung xốp thành kem mượt.

4. Cho từng ít lòng trắng trứng vào hh bơ đường, đánh để hh hòa quyện. Thêm vaini, trộn 1 vòng.

5. Rây bột vào, trộn nhanh bằng máy hay bằng phới dẹp đều được. Không trộn kỹ, chỉ cần vừa đủ hóa quyện là dừng.

6. Cho hh bột vào túi bắt bông kem, để bột trong tủ lạnh, ngăn mát 15, 20p để bột ổn định, đồng thời bật lò nướng, làm nóng ở 200 độ C, và chuẩn bị khuôn khay.

7. Lò đủ nóng thì nhanh tay bắt bánh ra khay/khuôn. Tận dụng khuôn vuông, thì có bánh vuông, khuôn cupcake thì ra bánh đồng xu, khuôn madeleine hay khuôn bánh lưỡi mèo chuyên dụng thì ra bánh lưỡi mèo đúng kiểu classic. Nếu không có khuôn gì, chỉ có khay thì lót giấy nến lên khay, bắt bánh trực tiếp lên giấy nướng. Bánh lưỡi mèo cần mỏng để có độ giòn, vì vậy không nên bắt nhiều bột. Chỉ cần kéo 1 đoạn bằng ngón tay cái là vừa đẹp. Rắc “topping” tùy ý

8. Cho bánh vào lò, chỉnh nhiệt 180oC, nướng tầm 15-20p là bánh chính.

9. Bánh lúc vừa nướng xong sẽ hơi mềm, nhưng càng để nguội sẽ càng giòn. Trữ bánh trong hộp có nắp vặn kín vì bánh dễ bị ỉu nếu để lâu.

GELATINE LÁ dùng như thế nào?

Thêm một “đồng chí” cũng “từ rất lâu rồi không viết nữa” như mình – đó chính là Page CARAMEL NOTEBOOK mà mình cực kỳ thích đọc mỗi khi bên ấy ra bài viết. Dù họ viết ít hay nhiều thì mỗi thông tin họ chia sẻ cũng rất có giá trị, nhất là với người không học bên ngành hóa thực phẩm nhưng lại ưa vô bếp chế biến cái nọ cái kia như mình…

Hôm nay thấy Chef Huy (chủ page Caramel Notebook) đăng ghi chú về Gelatine mình liền đọc rồi lại trân trọng mang về cất giữ.

Cám ơn Chef và cái note nhỏ hữu ích của chef. Hy vọng, chef sẽ sớm viết tiếp về gelatine để mình hiểu thêm về gelaine bột và những “technique” khi sử dụng chúng.

____________________________

GELATINE LÁ DÙNG THẾ NÀO?

(Tác giả: Caramel Notebook)

Xin chào cả nhà, lâu lắm rồi mình mới ngoi lên đây vì bận bịu công việc cả năm nay. Hôm nay dọn phòng, vô tình thấy hộp gelatine lá mình mua từ thời mới học nghề nên rảnh rỗi viết lẹ một bài này vậy.

Gelatine là một protein thường được chiết tách từ da heo, một số ít có thể từ bò. Nó có tác dụng làm đông sản phẩm. Trong bánh trái thì gelatine có vai trò cực kì quan trọng trong việc giúp bánh giữ phom, cũng như giữ được kết cấu mong muốn.

Độ đông của gelatine được gọi làm bloom và được đánh số, và con số này phần lớn quan trọng với các bạn đầu bếp chuyên nghiệp và/ hoặc sử dụng gelatine dạng bột. Đối với các bạn làm bánh tại nhà, thì dạng thông thường nhất các bạn gặp là dạng lá. Mà nhớ còn hồi ở Việt Nam, gelatine lá thường được phân nhỏ ra và bán lại chứ không bán nguyên một hộp. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao biết liều lượng nào mà dùng, mà còn khác thương hiệu thì có sao sao không? Câu trả lời ngắn nhất là KHÔNG nhé. Nếu các bạn sử dụng gelatine lá thì cứ việc đếm lá mà sử dụng! Công thức kêu bạn dùng 2 lá gelatine, các bạn cứ việc nhắm mắt lấy hai lá gelatine bất kì hãng nào, bất kì độ đông nào mà vẫn cho ra sản phẩm như nhau.

Để giải thích thêm thì gelatine có độ đông cao, ví dụ như platinum đi thì có trọng lượng mỗi lá là 1.7g, còn loại gold là 2.2g cho hãng mình thường xuyên sử dụng. Nhà sản xuất họ đã cân chỉnh trọng lượng của mỗi lá sao cho chúng có cùng một kết quả rồi. Nên nếu công thức bạn đang làm theo yêu cầu 2 lá gold mà bạn có lá platinum, thì cứ việc lấy hai lá platinum. Chớ dại mà nhẩm tính 2 lá gold là 4g hơn rồi lấy lá platinum đem đi cân là ra 2.5 lá, rồi sai công thức nha.

Để hôm nào có rảnh, Caramel Notebook sẽ làm một bài chi tiết về gelatine cho các bạn nghen.

SKINCARE vỡ lòng

… với 1 người vừa được khai sáng mấy hôm về skincare, để biết sữa rửa mặt khác nước hoa hồng chỗ nào, vì sao phải tẩy tế bào chết và bôi kem chống nắng, vì sao phải cấp nước cho da … mà viết về skincare thì thật sự là viết không trôi, ngượng và ngại vì rất thiếu tự tin, dù tới hôm nay thì mình đã nằm lòng các bước skincare cơ bản, khi gặp nhưng “đứa” mù skincare như mình tháng trước mình đã có thể… chém gió vi vu… nhưng nói chung skincare vẫn là một lãnh địa rất chi là mới mẻ mà mình thì vừa qua được bài khảo sát nhập môn, nên thôi, thay vì viết mình chia sẻ bài viết về KIẾN THỨC DƯỠNG DA VỠ LÒNG của chị Nguyễn Thu  Lành, người sáng lập ra dòng mỹ phẩm xanh Bambi, Founder của tạp chí Mỹ nhân đồng thời cũng là admin group Bambi – Làm đẹp homemade rất nổi tiếng trên các diễn đàn chăm sóc sắc đẹp.

Từ ngày tìm hiểu về skincare, mình thích đọc các bài viết chia sẻ của chị ấy vì phong cách viết rất duyên dáng, dễ đọc, dễ hiểu nhưng kiến thức lại chuyên sâu. Ví dụ như SKINCARE VỠ LÒNG mà mình sẽ lưu lại bên dưới đây, hoặc bài TRỊ MỤN TUỔI MÃN TEEN, BÀN LUẬN VỀ TẨY TẾ BÀO CHẾT, BẠN ĐÃ BIẾT CÁCH SỬ DỤNG DẦU DƯỠNG DA CHƯA? BẠN ĐÃ BIẾT GÌ VỀ HYALURONIC ACID? KHI NÀO CẦN CHỐNG LÃO HÓA? DẠY CON DÙNG MỸ PHẨM, DƯỠNG DA SAU KHI SINH … và ti tỉ bài viết hay ho khác. Ai muốn tìm hiểu về skincare như mình thì nên tìm và follow fb của chị (Thu Lành Nguyễn)

Riêng mình, có 1 điều rất vui, là từ lúc chăm chỉ và nghiêm túc bỏ thời gian ra chăm sóc da một cách đúng đắn thì da mình đã khỏe lên trông thấy. Trong vòng 1,5 tháng mà những vết thâm mờ đi khá nhiều, mụn ẩn trên trán và phần hàm đã gần như hết sạch, da vẫn chưa đồng màu nhưng đã bớt loang lỗ dầu, ấn vào da thấy có độ đàn hồi chứ không còn thiếu sức sống và khô khốc nữa.

Các bước thực hiện của mình là:

  1. Mua 1 gói điều trị mụn ẩn và dưỡng da, cấp ẩm ở spa và quyết tâm đi đủ buổi, đúng ngày để người ta chăm sóc da cho mình một cách chuyên nghiệp.
  2. Về nhà, ngày 2 lần sáng tối làm đúng trình tự: tẩy trang – rửa mặt với sữa rửa mặt chuyên dùng cho da khô và mụn – cân bằng ph với nước hoa hồng – bôi HA (Hyaluronic acid) để cấp ẩm – ban đêm bôi kem trị mụn đặc trị, ban ngày bôi serum dưỡng da và thêm lớp chống nắng. Mỗi tuần thêm 2 lần tẩy da chết.
  3. Hoàn toàn dùng sản phẩm điều trị chứ không dùng sản phẩm trang điểm (kem nền, phấn…)
  4. Uống thêm một số thực phẩm bổ sung được viết theo đơn để hỗ trợ cho quá trình điều trị. (Cái này bạn nào cần mình sẽ viết cụ thể sau)

Ban đầu, việc để mặt mộc đi làm với mình không quen lắm, nhất là mình đang quen với cảm giác trắng bật tông của BB cream và khô ráo của phấn phủ, giờ cảm giác da mặt lúc nào cũng “xuống màu” và hơi ẩm ẩm khá khó chịu. “May” mà thời điểm mình bắt đầu điều trị da thì đi đâu cũng phải đeo khẩu trang y tế do khuyến cáo của dịch Corona nên mình cũng đỡ ngại. Sau vài tuần bắt đầu quen, mình thoải mái hơn với mặt mộc, đồng thời cách dùng serum hay kem chống nắng của mình cũng nhuần nhuyễn hơn nên lượng “kem” không bị lúc dư lúc thiếu nữa. Thích nhất là mình thấy da mình tốt lên mỗi ngày, điều đó khích lệ mình nhiều lắm.

Hy vọng, các chị em bạn bè hay vào DVYT của mình không có ai mù skincare như mình, còn nếu có, mình thật lòng mong các bạn hãy cố gắng thay đổi, mỗi ngày chăm sóc bản thân một chút thôi, không nhất thiết phải chọn 1 cái spa quá hoánh tráng, 1 dịch vụ quá đắt đỏ hay bộ mỹ phẩm quá nhiều tiền. Chỉ cần các bạn quyết tâm, sau đó cân nhắc về vấn đề tài chính của mình cho rõ ràng, tìm một liệu trình skincare phù hợp rồi nghiêm túc thực hiện, đừng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” … Tin mình đi, các bạn sẽ thấy bất ngờ về kết quả của nó.

_____________________________________

KIẾN THỨC DƯỠNG DA ”VỠ LÒNG”

(Tác giả: Thu Lành Nguyễn)

Mấy cao thủ dưỡng da xê ra. Bài này tui dành riêng cho mấy Bé Cưng ‘’ngây thơ toàn tập’’ chưa biết mùi dưỡng da. Thực sự Chế đây rất lười viết chủ đề này, vì cứ ra rả hàng ngày rồi nên thấy nó nhàm tai quá, gõ lại cứ thấy ”thừa”. Nhưng cũng hy vọng bài này sẽ có ích cho Bé nào lần đầu nghiền ngẫm cách chăm sóc da, chưa biết bắt đầu từ đâu.

Nói ”ngây thơ toàn tập” vì còn rất nhiều Nàng không biết gì về chăm sóc da, thậm chí không xài sữa rửa mặt chứ đừng nói tới bôi kem chống nắng. Tại sao có thể ngược đãi cái mặt tiền ngàn vàng của mình như vậy chứ? (Nói nhỏ: Chế ra oai vậy thôi chứ 10 năm trước Chế cũng vậy đó mấy Cưng, nhưng đừng đi theo vết xe đổ của Chế. Bây giờ mấy Cưng có lợi thế hơn nhiều, được dễ dàng tiếp xúc nhiều thông tin làm đẹp, được nhiều người chỉ dẫn tận tình hơn, được chọn lọc sản phẩm chất lượng hơn… nên đừng để mình thiệt thòi như thời các Chế hồi xưa!)

Nhớ nè, dưỡng da không phải là một thói quen điệu đà hay xa xỉ đâu nha. Là một người phụ nữ sống giữa năm 2018 rồi, phải coi việc chăm sóc da cũng giống như chăm sóc răng miệng vậy đó, nó là việc tối thiểu phải thực hiện hai lần mỗi ngày. Tuy gọi là “nghĩa vụ” như vậy, nhưng tốt nhất cũng nên coi dưỡng da như một niềm vui, tạo sự thoải mái, thích thú, chứ không nên coi nó như một gánh nặng khiến ta thấy mệt mỏi mỗi lần sờ đến các món mỹ phẩm. Cho nên, nếu như chưa biết chút xíu gì về chăm sóc da, thì hãy đi từ những bước cơ bản nhất, nhẹ nhàng và gọn gàng nhất, chứ đừng vội vàng muốn phi tới “cảnh giới” chục bước dưỡng da mỗi tối như các “cao thủ dưỡng da”. Có nghĩa là, những mục tiêu cao siêu như trị mụn, chống lão hóa, trị thâm v.v… hãy để chương sau rồi tính.

Hai kiến thức quan trọng và cơ bản nhất khi bắt đầu làm quen với dưỡng da chính là #Làmsạch cơ bản và #dưỡngẩm cơ bản. Bật mí cho mấy Cưng nè: Khi đã hoàn thành tốt hai thói quen làm sạch và dưỡng ẩm, thì về sau, những vấn đề khác của da như nám, mụn, nếp nhăn v.v… cũng sẽ được ”xử đẹp” nhanh gọn lẹ hơn.

Bây giờ, mấy Cưng chú ý những điều cơ bản sau:

Đầu tiên, phải ý thức LÀM SẠCH DA.

Da không đủ sạch chính là nguyên nhân cho rất nhiều vấn đề khác, điển hình là mụn.

Mỗi người phụ nữ cần ít nhất 3 sản phẩm làm sạch cơ bản:
– Tẩy trang
– Sữa rửa mặt
– Tẩy tế bào chết.

Sản phẩm #TẨYTRANG có nhiều dạng, có thể là dạng kem, dạng sữa, dạng nước, và được ưa chuộng nhất là dạng dầu. Nếu đã trang điểm thì tất nhiên cần phải tẩy trang. Nếu không trang điểm mà chỉ thoa kem chống nắng thì vẫn bắt buộc phải sử dụng sản phẩm tẩy trang để làm sạch. Vậy nếu không trang điểm gì hết thì sao? Thì… vẫn nên dùng tẩy trang, vì sau một ngày tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm ngoài đường phố thì tẩy trang sẽ giúp làm sạch da kỹ hơn.
Túm váy lại là cần phải xài tẩy trang nha mấy Cưng 

Tiếp.


Sau khi tẩy trang thì đi đến #SỮARỬAMẶT. Sản phẩm này kết hợp với Dầu tẩy trang chính là phương pháp “rửa mặt kép” – double cleansing mà phụ nữ Hàn Quốc yêu thích. Mục đích chính yếu của sữa rửa mặt chính là làm sạch hết những phần cặn trang điểm, bụi bẩn còn sót lại trên da sau khi tẩy trang. Mà thông thường các sản phẩm tẩy trang hay để lại một lớp hơi nhờn trên da, mấy Cưng cần xài sữa rửa mặt để làm sạch nó đi, đảm bảo không làm bít tắc lỗ chân lông.
Vào buổi sáng, có thể chỉ cần xài sữa rửa mặt là hoàn thành bước làm sạch cơ bản. Còn buổi chiều tối thì cần tối thiểu 2 bước là tẩy trang và sữa rửa mặt.

Vậy còn bước thứ 3 là #TẨYTẾBÀOCHẾT thì chen vô lúc nào? Xin trả lời là cũng vào buổi tối, nhưng chỉ cần khoảng 2-3 lần mỗi tuần thôi. Tùy vào từng loại tẩy tế bào chết khác nhau mà xài sản phẩm này trước hoặc sau khi xài sữa rửa mặt (cứ đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn sản phẩm). Đúng như tên gọi của nó, đây là bước giúp làm sạch các tế bào da chết vẫn tồn đọng trên bề mặt da. Tẩy tế bào chết đều đặn còn giúp bề mặt da mịn màng hơn, giúp các bước dưỡng ẩm sau đó thẩm thấu tốt hơn, phát huy hiệu quả cao.

Trong thời gian đầu, mấy Cưng hãy cứ luyện tập cho quen với 3 bước làm sạch cơ bản nói trên. Trong quy trình làm sạch da còn dài như: thêm bước xông hơi, đắp mặt nạ, thanh lọc da… chai lọ nọ kia nữa, nhưng nó có thể coi là những bước nâng cao, tạm thời không nhắc tới trong khuôn khổ bài học “vỡ lòng” lần này hén.

Vậy sau khi làm sạch cơ bản, bây giờ là lúc đi đến bước DƯỠNG ẨM CƠ BẢN.

Để dễ tiếp thu, kiến thức dưỡng ẩm cơ bản chỉ cần gói gọn trong hai bước, đó là dùng toner và kem dưỡng.

#Toner, thường được gọi nôm na là “nước hoa hồng”, nhưng tên tiếng Việt chính xác là “nước cân bằng da”. Toner giúp hỗ trợ làm sạch lỗ chân lông thêm một lần nữa, sau khi đã hoàn tất cả bước làm sạch trước đó, giúp ngăn ngừa giãn nỡ lỗ chân lông. Cứ coi toner giống như một bước “cầu nối”, “trung chuyển” nhịp nhàng giữa bước làm sạch và bước dưỡng ẩm. Nếu khi thoa kem dưỡng lên da mà thấy cảm giác bị xót, thì thường là do bạn bỏ qua bước toner khiến da như bị ”sốc dưỡng”, nên da không kịp thích ứng với sự chênh lệch pH sau khi làm sạch và khi tiếp xúc với các dưỡng chất của kem dưỡng.
Túm lại lần nữa, hãy bôi kem khi da mặt đang còn ẩm.

Hiện nay trên thị trường có hàng tỉ loại toner khác nhau, nếu đang bỡ ngỡ với thế giới dưỡng da, tốt nhất là mấy Cưng hãy chọn loại toner có công thức đơn giản, dịu nhẹ nhất, không chứa cồn, hương liệu. Có thể sử dụng nước chưng cất từ các loại cây hoa thực vật. Mấy cưng chưa cần phải đào sâu tìm hiểu coi toner và xịt khoáng thì khác gì nhau, vì Toner chưng cất có thể kiêm cả nhiệm vụ của toner và xịt khoáng. (Vậy xịt khoáng là gì? Ở cấp độ vỡ lòng, mấy Cưng hãy hiểu nôm na nó là thứ nước có thể xịt lên da bất cứ khi nào thấy da khô, vậy thôi!)

Và bây giờ, từ khóa “kem dưỡng” có lẽ khiến mấy Cưng muốn khám phá kỹ lưỡng nhất.

Nói đến kem, đầu tiên, không bao giờ được bỏ qua #KEMCHỐNGNẮNG.


Trong khuôn khổ của kiến thức dưỡng da vỡ lòng, chúng ta không phân tích tất cả những công dụng mênh mông của kem chống nắng, nhưng nói ngắn gọn lại thì, đây là một lớp màng bảo vệ quan trọng, không chỉ giúp da đỡ bắt nắng, mà còn giảm nguy cơ lão hóa da và chảy xệ lỗ chân lông. Mấy cưng chỉ cần nhớ câu thần chú của Chế: “bôi kem chống nắng 365 ngày trong năm”. Và nhớ lại lần nữa nè, ban ngày dùng kem chống nắng thì tối về nhớ tẩy trang kỹ.

Về phần Kem Dưỡng, hãy hiểu sự khác biệt cơ bản nhất giữa kem dưỡng ban ngày và kem dưỡng ban đêm. Kem dưỡng ban ngày có khả năng chống nắng dù không đáng kể, các thành phần cũng như chất kem được điều chế phù hợp với làn da ban ngày, còn kem dưỡng ban đêm thì không có (và không nên có chống nắng), độ ẩm của kem đêm cũng cao hơn nhiều, phù hợp với ‘’lịch sinh hoạt ban đêm’’ của làn da.

Với kem dưỡng ẩm dùng ban đêm, tốt nhất là khi chưa nắm được hết huyền cơ bí ẩn trong các thành phần dưỡng da thì Cưng chưa cần phải ham hố các thể loại kem dưỡng trắng da, trị nám, chống lão hóa thần thánh hầm bà làng gì hết. Chỉ cần quan tâm đến kết cấu kem mà thôi: Mùa hè thì chọn kem có kết cấu mỏng nhẹ, nhanh thấm, mát da, mùa đông thì chọn kem đậm đặc hơn để tăng cường giữ ẩm. Mấy Cưng biết không, chỉ cần dưỡng ẩm tốt cho da là đã nắm được vài phần thắng lợi rồi, vì khi da được dưỡng ẩm vừa đủ, sẽ bớt tiết dầu, từ đó bớt mụn. Da có kết cấu đủ ẩm cũng sẽ căng mịn hơn, bớt nếp nhăn hơn, và nhìn sáng khỏe hơn so với da khô.

Một số người có thể mua xài dầu dưỡng để thay cho kem dưỡng. Nhưng nếu ở giai đoạn đầu, còn bỡ ngỡ, chưa nắm được nhu cầu làn da của mình cũng như chưa biết cách bôi dầu dưỡng ra sao cho đúng (massage dầu dưỡng cũng là cả một nghệ thuật đó), thì tốt nhất nên chọn kem dưỡng. Kem dưỡng chứa cả nước cả dầu, nên vừa cấp nước và vừa khóa độ ẩm, hạn chế da mất nước.


Sau khi đã làm ẩm da bằng Toner, hãy dùng một lượng kem dưỡng vừa đủ, chấm đều lên da, và massage nhẹ nhàng sau đó vỗ nhẹ đến khi thấy kem thấm hoàn toàn là xong.

– Ghi chú: Nếu dùng kết hợp với kem chống nắng thì kem dưỡng ẩm phải bôi trước kem chống nắng nha!

Còn có rất nhiều những kỹ nghệ dưỡng da cao siêu khác như đắp mặt nạ lotion-mask, dùng serum đặc trị, tinh chất bảy bảy bốn chín loại kỳ hoa dị thảo… xin hãy từ từ nghiên cứu sau. Và nhớ là hành trình dưỡng da chân chính cũng mất bảy bảy bốn chín ngày mới thành chánh quả, chứ không cấp tốc tà đạo 7 ngày da đẹp như tiên đâu 

À, còn ý quan trọng mà quên: Những Nàng lần đầu dưỡng da thì không biết trước da mình có phải da nhạy cảm hay không, nên trước khi xài bất kỳ sản phẩm gì nhớ bôi thử trước trên vùng da nhỏ trong mấy ngày để đề phòng da kích ứng mỹ phẩm nha, không phải cứ hàng thiên nhiên hay hữu cơ, Organic gì đó mà chủ quan da sẽ không phản ứng. Với da nhạy cảm thì nó có thể kích ứng không chừa bất kỳ sản phẩm nào đâu 

Cái nữa là phải tập thói quen chăm chỉ để dưỡng da đều đặn, không bỏ ngày nào. Nếu làm biếng, dưỡng da bữa đực bữa cái thì chỉ gây lãng phí tiền mua mỹ phẩm thôi chứ không đem lại hiệu quả như mong muốn đâu. Hơn nữa, với hầu hết mỹ phẩm, khi đã mở nắp mà bỏ quên 2 tuần không sử dụng là sản phẩm có thể đã bị oxi hóa, kém chất lượng, thậm chí gây kích ứng cho da, nhất là với những hũ kem dưỡng, cần phải bỏ đi nếu đã mở nắp mà không sử dụng liên tục.

Kết luận cuối cùng là, trước khi muốn bước vào hành trình làm đẹp, cần phải quyết chí bỏ thói LƯỜI! 

~ Bambi ~

…phủi bụi blog, phủi bụi bản thân ^^

  1. VIẾT

… Tối qua, trên new feeds của tôi hiện lên một cái note nho nhỏ đầy tính cảm thán của L.V. Lâm, chủ blog A guy who cooks, về sự “lười đọc, lười viết” của cậu ấy, của những food-blogger nói riêng và nhiều bạn bè của cậu ấy nói chung, sau đó kèm 1 đường link dẫn tới 1 blog nấu ăn, chia sẻ cuộc sống mà theo cậu ấy là: vô tình gặp mà mừng như bắt được vàng vì các bài viết của blog rất “chất” và theo một “lifestyle” riêng rất hiếm có giữa thời buổi nhà nhà livestream, người người youtube này….

Theo đường link, tôi đọc một hơi gần hết blog. Công nhận Lâm nói đúng. Chủ blog rất có gu. Viết nhẹ và mượt, chả cần tỏ ra nguy hiểm, hiểu biết, lên gân hay chạy theo trend, chỉ đơn thuần thích thì viết, vui thì làm…

Và… tôi nhớ, mình cũng đã có một thời “thích thì viết, vui thì làm…” như thế. Nhưng, như mọi lẽ tự nhiên ở đời, cảm xúc hay ký ức con người không phải là cái bình vô tận, để khi vui buồn ta lại rót nó ra… Sự ăm ắp ấy qua thời gian rồi cũng cạn, hoặc, nó vẫn còn đấy, nhưng không dễ dàng phô bày qua con chữ nữa… Các bài viết của tôi ít dần, rồi gần như dừng hẳn.

Không chỉ riêng tôi, hình như việc viết blog đang dần dần đi qua đỉnh cao của nó. Dù là food blog hay bất kỳ một blog nào khác thì việc viết để chia sẻ cũng đang trở nên nhỏ giọt, và từ từ dừng hẳn. Thi thoảng, tôi vẫn đi qua những blog kết nghĩa ngày xưa rồi ngậm ngùi tiếc nuối nhìn bài viết của các bạn đang bị tháng ngày phủ bụi… Bao lâu rồi các bạn tôi, và cả tôi nữa không còn thiết tha muốn viết ???

2. SKINCARE

Tôi không hiểu sao mình lại có thể “mù” skincare đến như vậy. Từ thời thiếu nữ 15, 16 tuổi mẹ tôi đã chăm chút cho tôi từ làn da, mái tóc. Thời của mẹ không có thông tin như bây giờ, nên sự hiểu biết của mẹ về skincare chắc rất hạn hẹp, nhưng tôi vẫn nhớ nếu mẹ đi uốn tóc, mẹ sẽ cho tôi đi cùng, để “nhờ” chủ tiệm cắt tỉa mớ tóc khô xơ rồi gội chải mái tóc tôi cho suôn mượt. Nếu mẹ tôi có một hũ kem dưỡng da (rất quý hiếm, khó mua thời ấy) thì mẹ tôi sẽ cho tôi dưỡng cùng.

Tôi lớn lên, da dẻ tóc tai bao giờ cũng hồng hào bóng mướt nên tôi không trải qua sự khốn khổ vì mụn trứng cá, vì tàn nhang, vì sẹo như các bạn đồng trang lứa. Khi sanh con xong, da tôi cũng may mắn không bị nám sạm hay rối loạn sắc tố… Vì thế tôi cứ đinh ninh rằng da tôi đẹp, tóc tôi bồng bềnh.

Và chính vì thế, tôi hời hợt trong việc chăm sóc bản thân. Trên bàn trang điểm của tôi, ngoài son phấn nước hoa, sản phẩm skincare bao giờ cũng chỉ có độc 1 chai sữa rửa mặt và 1 hộp kem dưỡng da mà thi thoảng buồn tay tôi mới lôi ra quẹt lên mặt vài đường, được chăng hay chớ. Không có toner, không có lotion, không có serum, không có mặt nạ, không có kem chống nắng…

Từ sáng đến chiều, tôi luôn chường mặt ra đường trong tình trạng không có gì để che chắn, không mũ, không khẩu trang, không phòng hộ… Lúc tiện tay, tôi dùng sữa rửa mặt, lúc lười, tôi tranh thủ khi đi tắm dùng cả dầu gội, sữa tắm để rửa luôn cái mặt với suy nghĩ  “đàng nào cũng làm sạch thì thôi”. Tôi thức đêm triền miên. Tôi uống trà đặc, uống cà phê đen thay cho các loại fresh juice. Tôi uống kháng sinh khi ốm thay cho các loại vitamin hay khoáng chất bổ sung…

Và da tôi vẫn đẹp…! Tôi vẫn chả nghĩ gì…

Cho đến năm kia, tôi trải qua một trận ốm dài và ngày nào cũng nốc hàng vốc kháng sinh theo đơn bác sĩ… tôi uống thuốc nhiều đến mức liên tục bị chảy máu cam. Mụn cũng bắt đầu bùng phát… Những bọc mụn dưới da liên tục trồi lên, toác ra, sưng, viêm khiến tôi quay cuồng vì sốt, vì xấu, vì sợ, vì chán nản…

Tôi về viện da liễu, lại uống thuốc. Lần này là thuốc trị mụn, thuốc trị rối loạn nội tiết, thuốc trị viêm …

Lay lắt chữa trị kéo dài cả năm, mụn cũng lui nhưng tổn thương mà chúng để lại trên da thật kinh khủng. Tôi không dám nhìn lại mình trong gương, vì khuôn mặt lúc nào cũng chi chít những vết thâm đen đen đỏ đỏ chồng lên nhau; mụn ẩn ở cằm, ở hàm, ở trán làm da tôi ram ráp, thô sần. Viêm da khiến mặt tôi lúc nào cũng loang lỗ, bóng dầu, lỗ chân lông to ra, không còn mịn màng nữa. Đi làm, đồng nghiệp hay đùa trêu tôi “dậy thì muộn ở tuổi 40” – Miệng tôi cười mà lòng buồn thiu…!

Nhưng, kỳ lạ và khó tin là tôi vẫn không chịu tìm hiểu về skincare, dù có đọc qua những bài viết hướng dẫn về chăm sóc da thì tôi vẫn đọc xong rồi để đó…!!!?

Rồi, tết nay tôi về Đà lạt, gặp em dâu, cô bé mở một cái spa nho nhỏ ở ngay trong nhà nên cứ buổi tối khi vắng khách là lôi tôi ra chăm sóc, tỉ tê kèm… giáo huấn cho tôi một khóa “thực hành skincare cấp tốc”

Tôi bắt đầu hiểu ra mình đã sai, đã tệ trong việc đối xử với làn da của mình như thế nào… nhất là khi nhìn cách con bé chăm sóc da cho nó, cho tôi, và cho các khách hàng của nó: cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu, bài bản…

3. THAY ĐỔI

Tôi đang thay đổi.

Chắc chắn là tôi thay đổi.

Tình yêu về bếp núc trong tôi vẫn còn. Đam mê về bánh mì và những hũ men trong tôi vẫn còn. Cả cái sự khi vui buồn lại âm thầm viết blog cũng còn. Nhưng tôi sẽ thay đổi.

Sẽ không còn những tháng ngày miệt mài ôm lò nướng, đầu bù tóc rối, chỉ để nhìn một ổ bánh nở ra hoàn hảo…

Sẽ không còn những tháng ngày dùng hết số tiền nằm trong “giới hạn vui thú” của mình để mua bột, mua khuôn…

Cũng sẽ không còn những tháng ngày viết như điên sau đó vứt blog DƯ VỊ YÊU THƯƠNG của tôi lăn lóc, phủi bụi…

Tôi còn nhiều niềm vui chưa khám phá. Tôi còn nhiều công thức chưa thử. Tôi còn nhiều bài viết dỡ dang. Và, tôi còn cả một làn da cần được skincare đúng nghĩa, một tấm thân cần chăm sóc đàng hoàng…

Ai cũng chỉ có 24 tiếng trong một ngày, làm sao để thu xếp cho trọn vẹn mà thôi…!

___________

Giới thiệu link blog rất hay của Lace Apron: https://laceapron.wordpress.com

PANETONE, viết tiếp về “Câu chuyện tình yêu nước Ý”

Câu chuyện đó bắt đầu từ 3 năm trước, khi Panettone lần đầu tiên được “kể” ở group Men Bánh Tự Nhiên, mùa Giáng sinh 2017, rằng thì đấy là chiếc bánh của Tình Yêu.Vào thế kỷ 15, ở thành phố Milan có một anh chàng người làm tên là Ughetto, chuyên chăm sóc chim ưng cho công tước Ludovico Moro Sforza  đem lòng yêu nàng Adalgisa xinh đẹp con nhà thợ bánh của Hoàng cung. Vì địa vị khác biệt, nên chàng và nàng bị ngăn cấm. Nhưng rồi gia đình nàng xảy ra biến cố, để có thể đến với nàng và chinh phục gia đình nàng, chàng trai lén cải trang vào học việc trong tiệm bánh nhà nàng và sáng tạo ra chiếc bánh Panetone đặc biệt giúp gia đình nàng buôn bán thịnh vượng trở lại, vượt qua khó khăn. Tiếng tăm về chiếc bánh và câu chuyện tình yêu của 2 người đã đến tai vị công tước. Tất nhiên, Ngài đã tác hợp cho họ, và hơn thế nữa, Ngài vinh danh chiếc bánh để biến nó thành biểu tượng tình yêu của Milan. Giờ đây, Panettone trở thành món quà đặc biệt được bán, biếu, tặng khắp nơi trên thế giới mỗi dịp Giáng Sinh về.

Chất lãng mạn vốn nằm trong máu người Ý, từ chàng Romeo đến chàng thợ bánh… nên chả lạ gì về những câu chuyện tình yêu có happy ending như thế. Song, trong quá trình tìm hiểu về Panettone tôi đã được đọc 1 tài liệu khác, do một baker người Ý ghi lại, rằng chiếc bánh Panettone thật ra là chiếc bánh cuối cùng của mùa bánh trong năm, trước khi các cửa hàng bánh đóng lò, nghỉ ngơi, trang hoàng nhà cửa đón Giáng Sinh và mừng năm mới. Vì vậy, họ dồn hết những nguyên liệu thơm ngon còn lại vào mẻ bánh: bột, bơ, đường, trứng, sữa, mứt trái cây, rượu rhum… Trước khi nướng, họ rạch một chữ thập trên mặt bánh rồi xếp 2 thanh bơ lên thay cho dấu thánh để tạ ơn đấng bề trên đã cho họ sự no đủ trong năm. Và đó là dòng bánh Panettone nguyên thủy. Qua thời gian, các bakers nơi này, nơi kia đã sáng tạo ra nhiều loại “topping” để trang trí trên mặt bánh thay cho chữ thập ngày xưa.

Năm 2017, lần đầu “chạm mặt” với Panettone tôi đã yêu thích vẻ đẹp và những câu chuyện bên trong chiếc bánh – dù lãnh mạn hay thực tế thì rõ ràng Panettone cũng vô cùng tinh tế. Từ màu nâu caramel óng ả ở lớp vỏ bánh cho đến phần texture ẩm mượt, dai xốp bên trong. Từ mùi vị ấm áp của vỏ cam, nho khô, rượu rhum cho đến sự hài hòa của bơ, đường, trứng, sữa…  Ngọt vừa đủ, béo vừa đủ, thơm vừa đủ, đậm vừa đủ.

Tiếc rằng năm 2017 tôi chưa có kinh nghiệm gì nhiều, chỉ vừa biết đến men tự nhiên và bắt đầu tham khảo, thử sức nên cả mùa Noel năm ấy trầy trật mãi nhưng chưa thành công. Năm 2018 vì sức khỏe nên tôi tạm ngưng. Năm nay, 2019, tôi trở lại với Panettone, nhưng hơi muộn màng. Giáng Sinh và Năm mới đã trôi qua. Dầu vậy, tôi vẫn rất vui với kết quả mà mình mong đợi, vì hơn ai hết, tôi hiểu được giá trị của thành quả này khi đã dành ra từng tí một thời gian trong bộn bề cuối năm để hoàn tất.

Mừng Panettone, tình yêu nước Ý của tôi cuối cùng cũng trọn vẹn. Happy Ending, cheers…!

Mứt vỏ cam dẻo

Mứt vỏ cam dẻo chuẩn bị cho món bánh Panettone.

Vì mứt này được dùng để cho vào dough bột làm bánh mì, bánh quy, bánh butter cake… chứ không phải ăn chơi nên mứt làm ít đường hết mức có thể, sợi mứt không bào quá mỏng, tránh làm mứt bị nát, sau khó sử dụng; cũng không cắt vuông vức, dày như mứt vỏ cam khô.

Cách làm thì đơn giản như thế này thôi:

  • Tỉ lệ vỏ cam – đường là 3-1, tức là 3 phần vỏ cam, 1 phần đường.
  • 1 muỗng cafe muối
  • 1 mcf vanilla extract
  • vài muỗng mật ong (tầm 50gr, hoặc ít hơn để có mùi thơm và vị ngọt tùy thích)
  • nước cốt một trái chanh vàng, hoặc dùng luôn nước cốt của 1,5 trái cam (vỏ đã được gọt ra làm mứt)

1. Cam rửa thật sạch, chà kỹ, lau khô, gọt vỏ theo hình xoắn ốc hay gọt thẳng, gọt xiên gì cũng được, miễn thuận tay, dễ gọt là được, chỉ cần gọt vừa phải, không gọt theo quá nhiều cùi trắng, cũng không gọt quá mỏng.

2. Cắt vỏ cam thành sợi dài ngắn, dày mỏng tùy ý.

3. Nhẹ tay bóp, rửa vỏ cam vài lần dưới vòi nước chảy để loại bỏ bớt tinh dầu.

4. Bắt nồi nước, cho vô 1/4 mcf muối, chờ nước sôi thì cho vỏ cam vào trụng nhanh, sau đó vớt vỏ cam cho vào thau nước sạch bên cạnh để vỏ cam không bị nhũn. Trụng đi trụng lại như vậy chừng 4-5 lần cho vỏ cam hoàn toàn hết vị đắng.

5. Sau lần trụng cuối cùng, vắt ráo vỏ cam, cho vào thố sạch, cho đường cát trắng và 1 tí xíu muối vào, xóc đều, bọc wrap, cho thố vỏ cam vào ngăn mát tủ lạnh, ướp qua đêm.

6. Cho toàn bộ phần vỏ cam đã ướp vào chảo + nước cốt chanh/cam + mật ong, để lửa vừa, chờ chảo mứt sôi bùng lên thì hạ nhỏ lửa cho mứt sôi liu riu. Trong quá trình sên, nên dùng đũa thường xuyên xới đảo để mứt bám đường đều và không bị cháy.

7. Khi mứt gần tới thì cho thêm vani vào chảo, đảo đều cho tới khi mứt cạn khô hết nước, sợi mứt trong và dẻo thơm là đạt.

Ghi chú: Mình mua 2 kg cam vàng Nam Phi, được 7 trái, sau khi gọt vỏ cân lên được 350gr nên dùng 100gr đường cát trắng (để khi thành mứt vỏ cam giữ màu vàng đẹp) + 30gr mật ong và nước cốt từ 2 quả cam (chừng 50ml). sên xong được 1 thố mứt vỏ cam như hình, đủ để làm Panettone nên mình cũng quên không cân lại. Nếu cân, chắc được tầm 400gr.

Mứt the nhẹ nhàng, thơm và giữ được màu sắc. Vị mứt ngọt nhẹ, hơi có chút vị chua của mứt dẻo chứ không ngọt lừ của mứt khô. Vì vậy, nếu ăn ngay thì để được chừng 5 ngày đến 1 tuần ở nhiệt phòng. Để hơn nữa sẽ bị lại đường hoặc mốc. Nếu làm nhiều, có lẽ nên bảo quản mứt thành phẩm trong tủ lạnh thì sẽ trữ được lâu hơn.

Pumpkin sourdough hamburger buns

Pumpkin sourdough hamburger buns – bánh mì hamburger tạo hình dạng bí đỏ (hoặc có nguyên liệu bí đỏ) hoàn toàn dùng starter để lên men…!

Phù… Đúng là nhiều khi chuyển một cái tên tiếng Anh sang tiếng Việt không biết xếp từ sao cho gọn… Nhưng dịch xong cái tên thì khỏi giải thích, vì tất tật mọi thứ có trong bánh thì nó ra hết ở tên rồi 😀

Với Pumpkin sourdough hamburger buns, cơ bản thì mình vẫn chỉ dùng công thức brioche burger buns, chỉ thay ww hoặc rye bằng một ít pure bí đỏ. Tỉ lệ chung cho 600gr bột.

– 80% bread flour = 480gr

– 20% pure bí vàng (bí nướng/hấp chín, tán nhuyễn) = 120gr

– 65% hydration (có pure bí đỏ thì nên dúng ít nước 1 tí, còn chỉ dùng màu thực phẩm tạo màu cam thì tăng tầm 70% hyd) = 390gr

-> Hyd: Nước đá lạnh, sữa tươi nguyên kem, trứng gà cả quả, yaour… Tùy ý phối hợp sao cho tổng tỉ lệ là 65%

– 10% chất béo (bơ, creamcheese… tùy ý): 60gr

– 5% đường/ mật ong: 30gr – Mình thích dùng đường nâu hoặc mật ong, sẽ giữ ẩm tốt hơn đường cát trắng.

– 1% muối: 6gr

– 25% starter (hyd 80%) = 150gr

Cách làm chung cho sandwich chỉ là nhồi tất cả nguyên liệu đến khi khối bột dẻo mượt, róc bowl thì lấy ra, nghỉ 10p rồi nhồi tay lại trên tấm mat cho thật mịn sau đó vo tròn, ủ nở 50%, ép xẹp bột, chia bột, tạo hình bí đỏ, ủ nở lần 2 đến 80% thì phết một chút trứng gà pha sữa loãng, nướng 165 độ C, tầm 20p, trở bánh, nướng thêm 5-10p cho bánh chín là xong.

Ở đây mình chỉ ghi chú chút xíu đoạn tạo màu cho bánh.

Nếu làm nhiều thì nhồi 3 dough bột 3 màu riêng biệt, còn làm ít thì nên nhồi 1 dough bột chính đến khi gần đạt thì lấy ra, chia làm 3 phần, 1 phần thêm bột bí đỏ tạo màu cam, 1 phần thêm tinh bột nghệ tạo màu vàng tươi, 1 phần thêm bột cải kale tạo màu xanh lá (bánh hamburger mặn nên cho trà xanh mùi sẽ không hợp). Nếu muốn bánh màu nâu thì dùng bột cacao.

Với tỉ lệ ghi bên trên thì tổng dough bột ra tầm hơn 1200gr một chút. Sau khi nhồi gần đạt, chia dough làm 3 khối lớn, mỗi khối 400gr, sau khi cho màu, nhồi đạt thì chia tiếp mỗi khối làm 5 viên nhỏ, mỗi viên 80gr.

Tạo hình bí đỏ đơn giản, lưu ý buộc dây lỏng thôi, vì còn đẻ bột nở.

Bánh nướng xong mềm mượt, xốp, ẩm và thơm mùi bí đỏ, ăn không cũng rất ngon. Mình thích kẹp hamburger với chả lụa, ngò rí, thêm chút muối tiêu, chút sốt dầu trứng và tương ớt cho đậm đà chứ không thích kẹp cà chua, thịt viên hay phô mai gì hết.

HAPPY HALLOWEEN DAY…!

Quà của Hà My, và một vài nhận xét

Em Hà My về Hà Nội thăm gia đình, nhưng vẫn không quên cái mùi chua chua ngai ngái đặc trưng của hũ men và niềm yêu thích tìm hiểu về SD bread, nên nhân dịp tìm ra được 1 địa chỉ chuyên bán SD bread rất có tiếng tăm ở HN, em nhắn tin chát chít với mình, 2 chị em cười hi hí cả đêm rồi cùng chọn đặt vài loại bánh mì của họ để làm “dụng cụ trực quan sinh động” trong quá trình “tự học mần bánh”. Hai chị em hẹn nhau nhận được bánh xong thì cùng nhau vừa nhấm nháp xem vị, vừa ngửi xem mùi, vừa nhìn xem cấu trúc rồi trao đổi xem cảm nhận có giống nhau không.

Chiều hôm qua đi dạy về, nhóc con nhà mình hí hửng ôm bọc bánh mì ra khoe. Nguyên văn của chàng ta là “Mẹ mẹ, mẹ có bánh mì chua nè. Mà con có mở ra ngửi thử, mùi bánh cũng thơm, nhưng con cảm giác không thơm như mùi bánh mẹ làm. Còn ngoại hình thì… xấu hoắc”. Ông nhóc làm mình phì cười vì sự bộp chộp của ổng. Chả biết từ lúc nào mà chuyện mẹ nó khuấy bột, trộn men, làm bánh đã ăn luôn vào khứu giác của nó như vậy chứ? 

Vốn dĩ đây là quà của Hà My, và là thỏa thuận của 2 chị em nên mình chỉ cần inbox trao đổi riêng với em là được, nhưng mình biết các chị em trong group mình cũng không có nhiều cơ hội được thử bánh SD bread chỗ này chỗ kia, nên mình chia sẻ trong nhóm để chúng ta cùng học hỏi chung hén. Và ăn bánh là để học hỏi chứ không phải để “nhòm ngó” chuyện “bánh nhà người ta” cũng như tránh gây điều không mong muốn cho hiệu bánh, mình sẽ không nói tên cửa hiệu, tất cả chỉ tập trung vào “chuyên môn” thôi nha 

Mình và em Hà My thống nhất đặt mua 3 loại mà nhóm mình hay quan tâm, hay làm nhất, đó là:

1. Wholemeal wheat country sourdough bread, là cái bánh tròn rạch 2 đường ngang song song.

2. Organic stone ground wholemeal dark rye and wholemeal wheat sourdough bread, là cái bánh tròn rạch chữ thập.

3. Wholemeal wheat sourdough bread with 20% soaked flax seeds and toasted sesame seeds, là cái bánh tròn rạch trái trám.

1. Về ngoại hình:

Thú thiệt là dù cả 3 ổ bánh không “xấu hoắc” như nhóc nhà mình chê, vì nhìn kỹ thì vết nứt của nó cũng ổn, và sự phủ bột của người ta dù có hơi dày nhưng cũng chấp nhận được nhưng mình vẫn có chút thất vọng vì nhìn qua ổ bánh, mình cảm nhận các thành viên trong group mình đều có thể làm được ổ bánh đẹp hơn thế nhiều.

2. Về cấu trúc:

Theo kinh nghiệm nướng bánh của mình, ngoại hình ổ bánh nói lên cái ruột bên trong khá rõ. Bánh không bung thì kết cấu sẽ bị đặc. Và rõ ràng, khi cắt đôi ổ bánh xem kết cấu bên trong thì bề ngoài của nó chính là câu trả lời.

Ổ bánh trái trám có vết nứt đẹp nhất thì texture cũng đỡ nhất nhưng lỗ khí cũng không có trật tự, xen giữa rất nhiều đoạn lỗ khí nhỏ li ti là những lỗ khí quá lố. Lỗi này trong cuốn Open Crumb Mastery anh Trevor có đề cập tới, đó là lỗi fold dối, shape không đều tay, và underproof.

Ổ bánh chữ thập rất đặc (dense) nhưng vẫn còn lác đác thấy có lỗ khí.

Riêng ổ rạch đôi thì đặc hoàn toàn, đặc sệt. Soi lên ánh sáng cũng không có lỗ khí luôn.

Mình không biết tỉ lệ whole wheat hay dark rye trong bánh của họ là bao nhiêu. Nếu tỉ lệ 100% thì ruột bánh chắc chắn phải đặc thôi chứ bánh mềm, ẩm xốp là… xạo..! Còn nếu tỉ lệ này nằm từ 15 % – 60% thì lại là một đánh giá hoàn toàn ngược lại. Vì mình đã thử làm WW đến 70 %, và Rye đến 50%, kết quả từ texture và ngoại hình, vết rạch đều khá hơn 3 ổ bánh này nhiều.

3. Về mùi vị:

Nhóc nhà mình nói đúng, bánh thơm, nhưng không thơm như bánh mình vẫn làm. Mùi thơm – ngoài việc dùng loại bột gì thì một chút “gia vị” thêm vào trong bánh để tạo hương vị là bí quyết và dấu ấn riêng của từng baker. Mình không nói đó là xảo thuật, hay chất tạo mùi hóa học mà đó là sự pha trộn, gia giảm một chút bột này, một chút bột kia rất riêng mà chỉ khi chúng ta rất đam mê thử nghiệm nhiều lần mới tìm ra hương vị yêu thích theo kiểu cá nhân được.

Mình chuộng mùi thơm ngọt, bùi bùi giống mùi bột mới nên mình hướng tới sự pha trộn đó.

Còn bánh Hà My đặt có mùi loại bột rye và ww nguyên thủy, thơm ngai ngái, hắc hắc khiến mình dễ hắt hơi khi chúi mũi vào cả túi bánh mì hít căng lồng ngực. Nhưng sau đó sẽ có cảm giác dễ chịu dần và có thể nghiện nếu đã quen…

Riêng vị bánh, RÕ RÀNG bánh của tiệm MẶN HƠN bánh chúng ta làm (có lẽ họ dùng tỉ lệ 2,2% salt) nhưng lại ÍT CHUA hoặc theo đánh giá của mình là RẤT KHÓ NHẨM RA VỊ CHUA.

Nói cách khác, bánh của họ mặn, mùi nặng gắt nhưng gần như không chua.

Bánh của mình nhạt hơn, mùi thơm dễ chịu hơn nhưng chua hơn bánh của họ nhiều.

Đã mấy lần Hà My nói với mình em ấy thử mua hoặc được tặng bánh của chị A, chị B và bánh KHÔNG CHUA. Lúc đó mình không rõ “không chua” là không chua tới đâu, nhưng sau khi thử bánh Hà My đặt thì mình nghĩ bánh mình làm chua thật, và mình nên cải thiện axit trong men của mình để bánh dịu hơn chút nữa (dù mình quen vị, ăn thấy chua như mình làm lâu nay vẫn ngon)

Đó là toàn bộ cảm nhận của mình về 3 ổ bánh SD bread xịn do Baker “Tây” làm.

Hy vọng sau này mình có dịp thưởng thức SD bread nơi này, nơi kia thì chia sẻ cho mọi người cùng hiểu them nhen.

Cuối cùng, chị cám ơn em, Hà My, về sự nhiệt tình và dễ thương mà em luôn mang lại cho chị. Chúc tay nghề SD bread của em càng lúc càng tiến bộ hén. 

Thử nhân giống sen đá và quỳnh bằng phương pháp thủy canh

Giăm cành, ươm cây bằng phương pháp thủy canh không có gì mới. Trước đây, thi thoảng mình vẫn ươm mấy loại rau gia vị bằng cách cắm 1 vài cành giá vào cốc nước, để nơi mát mẻ, vài tuần sau nhánh cây sẽ đâm lá non, có thể bứng ra trồng ngoài chậu. Nhưng mình không nghĩ rằng sen đá hay quỳnh cũng có thể giăm cành thủy canh như thế, vì rõ ràng đây là loại cây thân mọng này cực kỳ dễ úng. Chỉ cần dư nước một chút là xem như đưa tiễn em đi… Vậy mà lên instagram, thấy người ta ươm sen đá, xương rồng thậm chí là bất kỳ loại cây gì bằng thủy canh thật thú vị, thế nên mình cũng muốn thử xem sao, nhân tiện có vài nhánh Quỳnh dư ra từ đợt ươm trồng lần trước, và vài nhành sen đá bị gãy ngang do bất cẩn, hụt tay…

Cách ươm chung chỉ là:

– Dùng dao kéo sắc (lau qua oxy già hoặc cồn để sát trùng), rồi cắt đoạn thân cây cho thật ngọt, thật bén. Tránh bẻ ngang hay dùng dao cùn cắt dây dưa làm dập nát vết cắt, khi ngâm vào nước vết cắt sẽ nhiễm trùng, thối rửa, không thể phát triển được.

– Để thân, cành cây khô ráo, thoáng mát vài ba ngày cho phần nhựa cây nơi vết cắt khô đi hoàn toàn.

– Dùng lọ/hũ/chai nhựa/thủy tinh… có miệng rộng phù hợp với thân cây, cho nước sạch vào sao cho nước ngập qua phần gốc cây vài cm là được.

– Cắm cây vào lọ/hũ, sau đó đặt hũ/lọ cây ươm nơi mát mẻ, thoáng khí,tốt nhất là để nơi bệ cửa sổ có ánh sáng chiếu vào, hoặc để ngoài trời nhưng đặt dưới tán cây khác, tránh ánh sáng gay gắt chiếu trực tiếp. Lâu lâu quan sát xem nước trong hũ có bị đục, thối thì thay nước sạch khác. Còn không bị thì giữ nguyên.

– Nếu cây phát triển được thì tầm 1 tuần sau sẽ thấy phần thân cây ngâm dưới nước bắt đầu nhú rễ non. Sau 2-3 tuần rễ cây sẽ nhiều, khỏe. Sau 1 tháng thì cây đã hoàn toàn vững vàng, có thể mang ra trồng vào chậu. Cây nào không sống được, sau vài ngày sẽ thối gốc, nên bỏ đi.

Cá nhân mình sau khi giăm cành bằng thủy canh thì thấy cách này sàng lọc cây khỏe rất tốt, cây nào đã không sống được là chết luôn, còn cây nào đã ra rễ, cho vào chậu là sống rất bền, lại chịu được mưa nắng thất thường chứ không ỏng eo dễ bệnh, dễ úng.

Bánh nướng thập cẩm 2018

Sau bao nhiêu lần thử đi thử lại để tìm cho ra mùi thơm bánh nướng thập cẩm, mình đã phát hiện ra bánh “ngoài chợ” – tức là các loại bánh trung thu có thương hiệu, được bày bán ngoài phố mỗi mùa Trung thu ấy – họ có thể có “vị ” khác nhau, do nguyên liệu làm nhân khác nhau, ví dụ gà quay khác với bào ngư vi cá, khác với jambom bát bửu, khác với nhân sâm tổ yến… nhưng “mùi” thì cực kỳ giống nhau – đó là mùi thơm ngào ngạt chảy nước miếng, gây kích thích sự thèm thuồng và làm người ta khao khát, nhớ nhung những chiếc bánh trung thu thơ ấu mà bây giờ mình (hay chính xác là mình và chị Danh) bảo là “mùi bánh trung thu”.

Mình và chị cũng vì cái mùi đặc thù ấy mà trộn trộn thử thử không biết bao nhiêu mẻ bánh để rồi cảm thán rằng bánh nhà ngon thì có ngon, nhưng không cách nào làm ra được cái “mùi trung thu” như bánh của họ.

Nhưng… năm vừa rồi theo chân mấy vị “trùm” bánh trung thu mình mới biết, thực ra cái “mùi” đó là mùi hóa chất, mùi nhân tạo được thêm vào nhân chứ không phải là một bì kíp hay một nguyên liệu đặc thù nào đó mà mình và chị Danh tìm kiếm… Và thế là mọi chuyện sáng tỏ – vì sao thương hiệu dù khác nhau, nhưng cái mùi lại rất giống nhau…

Sau khi hiểu ra thì mình hết nhớ mùi bánh năm xưa, dù nó vẫn cứ thơm nức nở trong tâm trí của mình.

Mình hài lòng với mùi bánh thập cẩm mình làm, và tự tin là nó ngon, ẩm mượt mà không bết, ngọt mà không gắt, thơm mà không ngào ngạt, vị cũng cân bằng mặn ngọt…

Mình chốt nhân bánh thập cẩm theo đúng cách làm năm ngoái và từ nay sẽ làm y như vậy, không thay đổi tỉ lệ nữa.

Bánh bên dưới thử hoa văn, thử nước đường và cách trộn vỏ bánh, còn nhân bánh đều là thập cẩm. Bộ khuôn này 180gr, sắc nét từng mặt, rất hài lòng.

Mini Mooncakes 2018

…Tiếp tục lò dò theo hũ nước đường thì lôi ra được mấy cái ảnh bánh trung thu mini mình nướng để thử nhân, thử nước đường và làm quà tặng cho mấy đứa em, đứa cháu ưa điệu. Bánh bé xíu, có 50gr, nhưng xinh xẻo do chất lượng bộ khuôn này rất tốt. Mình tiếc mãi vì họ không sản xuất ra bộ khuôn y vầy, mà 150gr. Nếu có, chắc mình sẽ lưu trữ thêm bộ này, vì mặt khuôn thật sự rất duyên dáng, sắc nét…

  • Bánh màu xanh lá cây là nhân hạt sen trà xanh
  • Bánh màu nâu nhân cacao tiramisu
  • Bánh màu cam nhân hạt sen gấc
  • Bánh bị phồng chân kia là màu xanh dương đậm của hoa đậu biếc, nhân đậu xanh táo đỏ
  • bánh màu vàng truyền thống nhân thập cẩm

Nhìn lại mớ nhân, mình cũng phục mình quá xá! Năm nay thì thôi đi, chắc chỉ làm nhân hạt sen làm nền rồi pha thêm một ít nguyên liệu gì đó, kiểu như hạt sen sầu riêng, hạt sen táo đỏ, 2 màu 2 khuôn thế thôi 😀

 

Nước đường bánh nướng 2018 – 2019

Nước đường nấu bằng đường vàng hoa mai, quả mơ và chanh ta. Mùi rất thơm. Màu lên tuyệt đẹp.

Gõ xong cái note và lưu được hũ rượu Mai Quế Lộ vô, tự dưng lại tìm ra được hình hũ nước đường… năm ngoái, nên lại lôi ra cho nốt vào đây.  😀 😀 😀

Sở dĩ phải ghi nước đường 2 năm (1018 – 2019) là vì năm ngoái thử nấu nào nước đường gấc cho bánh màu, nước đường tảo Nhật Bản loại ăn kiêng (mà kiêng làm sao được cơ chứ ^^ ) rồi nước đường mơ, nước đường bánh vỏ giòn… nên dư hẳn 1 thùng nước đường, kho cá từ bấy tới giờ chưa hết, vì vậy năm nay lôi ra dùng tiếp, khỏi mất công nấu 🙂

Nói về nước đường thì nhiều chuyên hay lắm, và cũng đầy thị phi, gây “war” cho cộng động các bakers làm bánh nướng cổ truyền, bánh hiện đại từ bắc vào Nam chinh chiến tơi bời. Mình là dân “ngoại đạo”, chả khua chiêng gióng trống tranh cãi làm gì, chỉ tự dặn lòng phải ghi nhớ 3 vấn đề, rằng:

1. Không thể nấu nước đường từ đường ăn kiêng, và “ăn kiêng” kiểu ấy là vô ích, vì ngoài nước đường, 1 cái bánh trung thu còn chất lên mình nó hàng tá thứ “độc hại” khác, như bột mì, bột nếp, trứng, đậu, dầu ăn… Nên đã thích làm bánh trung thu thì cứ đàng hoàng mua đường hoa mai về mà làm. Vấn đề cân nặng của bản thân, nên tính theo calo tổng của bản thân chứ không phải loay hoay cắt giảm tí đường trong hũ nước đường bánh nướng :)))))

2. Nước đường “thường” hay nước đường gấc thì khi nấu đạt tới đúng trạng thái, nó cũng sậm màu như nhau. Nên việc cho gấc vào nước đường để có màu bánh “light” hơn chả có ích lợi gì mấy. Chưa kể gấc có dầu, sẽ làm nước đường không giữ được lâu.

3. Nước đường “trắng” trong truyền thuyết thật chất chỉ là Corn syrup được pha trộn với một số thứ gì đó mà phải đi học, bỏ ra vài triệu thì mới biết. Nhưng, “biết” rồi thì sao? Chả có gì hay ho vì loại nước đường đó chỉ giúp cho các kiểu bánh trung thu có pha phẩm màu giữ được màu bánh tươi sáng chứ không thể nào làm cho vỏ bánh trung thu dậy lên hương vị độc đáo của vỏ truyền thống được. Nên thích đẹp kiểu hiện đại hay thích hương vị truyền thống thì tùy nghi lựa chọn. Riêng mình, mình chọn truyền thống…!

Còn nấu bao lâu, nấu với tỉ lệ nào chả quan trọng lắm, hoặc dĩ, chỉ quan trọng khi ta đặt ra cái chuẩn nào đó, như nước đường vỏ mềm, nước đường vỏ giòn, nước đường truyền thống Hà Nội, nước đường trong Nam… Còn, chỉ làm amateur ở nhà, mỗi mùa dăm chiếc bánh để gia đình bè bạn quây quần bên nhau thì không cần canh ke thái quá. Chỉ nên nhớ nhiều nước nấu lâu, ít nước nấu nhanh. Quan trọng là canh được thời điểm nước đường “tới” thì sau này nướng bánh vỏ bánh sẽ chuẩn. Nước đường nấu lỏng bánh hay bị mất nét, xệ chân. Nước đường quá đặc vỏ bánh sẽ khô cứng, thế là đủ rồi.

Nước đường “thường:, nấu bằng đường cát vàng Biên Hòa, loại không tẩy và quả dứa. Màu trong veo, ngon và thơm, mình giữ tới năm nay sẽ dùng tiếp.
Phía sau hũ nước đường “thường” là 2 hũ nước đường gấc. Màu nhạt, khá đục, và cũng không “light” gì mấy so với các hũ nước đường khác. Mùi vị cũng không có gì đặc sắc.
Đây chính là hũ nước đường gấc nhưng mình không có ý chụp nó, mà tự dưng thích chụp chút ánh nắng chiếu xiên khoai vào buổi chiều. Cảm giác tương phản sáng tối và những vệt sáng hắt lên chai lọ, thúng mủng khiến mình bùi ngùi, nhung nhớ cái bếp xưa kia của ngoại…

 

Rượu Mai quế Lộ cho mùa bánh trung thu 2019

Quay qua quay lại đã thấy mùa Trung thu…! Nhân dịp còn vài ngày nghỉ trước khi hối hả vào năm học mới, mình tranh thủ ngâm thêm hũ rượu Mai Quế Lộ.

Nói tới bánh trung thu năm nay lại thấy phiền hà cho cái ngớ ngẩn, hậu đậu của mình năm ngoái.

Sau vài năm háo hức, mình gần như không còn mê mệt với mùa bánh trung thu nữa, nhất là khi có phong trào bánh trung thu hiện đại mình lại càng thấy chán cái xanh xanh đỏ đỏ linh tinh đó, nên mỗi mùa chỉ làm ít bánh truyền thống cho nhà mình, nhà mẹ thắp hương. Năm ngoái mình tính trong đầu sẽ “làm lần cuối” nên cũng hào phóng mua khuôn hơi nhiều, đồng thời nghiêm túc thử nghiệm lại khá nhiều cách thức nấu nước đường bánh dẻo, bánh nướng và sên nhân của các “cao nhân” chỉ cho rồi chụp hình rất nghiêm túc, dự định sẽ ghi chú lại chi tiết để “chốt sổ”. Ấy thế rồi chả biết làm xong loay hoay thế nào mà lại nhỡ tay xóa sạch cả cái file hình, chả còn tấm nào để viết bài nên bực quá dẹp luôn. Coi như “lõm” mất một mùa trung thu chả có gì lưu lại làm kỷ niệm, rõ ngớ ngẩn…!

Năm nay nhà mình cũng vẫn thế, chỉ đóng chục bánh, chả biếu ai nên cũng nhàn. Mình không đầu tư gì nhiều ngoài 2 cái khuôn bánh mới: 1 bộ khuôn hoa sen, 1 bộ khuôn hoa hồng. Hết…! Và mình hài lòng với nó. Chả bù cho mấy năm trước, mua bao nhiêu khuôn cũng vẫn thấy ít. À, nói tới khuôn, mình thấy năm nay dân tình đổ dồn hết tiền vào khuôn hay sao ấy. Khuôn bánh trung thu càng ngày càng đẹp và sắc sảo đến từng chi tiết, dù đó là khuôn hàng chợ 100k/1 chiếc đến khuôn xịn hơn một triệu. Thế nên mình không chạy theo khuôn nữa, chỉ chọn 2 mẫu khuôn mình thích nhất rồi chốt là xong. Mớ khuôn cũ mình thanh lý sạch cho gọn nhà gọn bếp.

Sáng mai mà có nắng chắc mình lôi 2 cái khuôn ra chụp hình… kỷ niệm, hihi… Còn giờ thì cho mớ hình rượu Mai Quế Lộ vào đây. Welcome Mooncake’s season 🙂 🙂 🙂

Nguyên liệu đi mua với em dâu, bên Siêu Thị Bánh Á Âu, rất đầy đủ, đặc biệt là 2 chai rượu nếp rất ngon

 

Rang toàn bộ nguyên liệu cho thật thơm
Vệ sinh lọ thủy tinh thật sạch, tiệt trùng, để khô rồi cho hết nguyên liệu đã rang (và để nguội) vào
…sau đó rót hết 2 lít rượu nếp vào
và vặn chặt nắp, đậy thêm bên ngoài bằng miếng vải màu tối, hoặc đơn giản là … úp cái rổ tre lên, sau đó mang hũ rượu đặt chỗ thoáng mát, ít ánh sáng trực tiếp rồi đợi mùa bánh đến thì thì mở nắp, bắt đầu cho mẻ bánh mới là vừa…

Mini boule SD bread – bánh mì tròn mini, men tự nhiên

BÁNH… LÀM LẠI CUỘC ĐỜI 😀 😀 😀 

Sáng thứ 2 đầu tuần tài lanh kể chuyện bánh… hỏng, mình có duyên thiệt, haha… Nhưng hôm trước em Hà My có hỏi mình nếu nhỡ làm bột hỏng thì cứu chữa kiểu gì. Mình bảo để bữa nào nhồi hỏng chị chỉ cho. Và đây chính là “bữa nào nhồi hỏng” đây…

Có nhiều cách chữa bột hỏng, và nên chữa để ẻm có cuộc đời mới chứ đừng cố hốt ẻm vô rổ ủ đại, nướng đại cho xong, rồi rướn cổ nuốt cho đỡ phí hén.

Cách đơn giản nhất là nát rồi cho… nát luôn, khỏi nhồi. Chỉ trộn starter vô cho đều rồi để nó ferment. Vài tiếng sau lấy ra sẽ có dough bột nở phồng phèo như cái ruột chăn bông, tuyệt vời để làm focassia.

Cách khác là cho ẻm vô tủ lạnh, chờ em tự lành, gluten hơi chắc chắc lại thì nhẹ nhàng lấy ra gập bột 1, 2 lần thôi. Sau đó lại cho vô tủ lạnh, chờ ẻm cứng một chút thì đổ ra shape thiệt nhanh. Ủ rổ phải áo dày bột một chút, và ủ khăn chứ kg dùng rổ trần vì nguy cơ dính rổ lớn. Final proof nhanh gọn, thấy được là nướng luôn, không cần chờ đủ thời gian.

Cách thứ 3 là trộn dough bột khác, dùng luôn dough bột hỏng nhập vào. Mọi thao tác khác đều bình thường, trừ việc nó sẽ nở cực nhanh nên cần rút ngắn thời gian tất cả các công đoạn.

Bánh trong hình chính là dùng cách thứ 3 để chữa cháy.

100gr/ a dough. Tận dụng nắp cái khạp đất chuyên đựng gạo, nướng trần. Bánh nướng trên “khay” đất vỏ mỏng, rất thơm nhưng mau “mềm”.

Chuyện là thứ 7 vừa rồi mình muốn thử bột Shipton chị Hằng gửi tặng, nhưng không ngờ bột khó làm quá, trộn 50% shipton, 40% BF, 10% Corack, 15% starter, 2% salt và 80% hyd mà cả dough bột nát bét kg sao làm tiếp được, càng để lâu bột càng vữa ra chứ không co lại. Thế nên mình quyết định biết dough bột hỏng thành 1 khối starter lớn, nhồi tiếp 1 dough bột khác có trọng lượng tương đương nhưng bớt hyd lại còn 65% rồi cho luôn cả dough bột hỏng vào dough bột mới nhồi cùng. Sau 30p vừa nhồi vừa thăm dò coi gluten đàn hồi ra sao thì ẻm đã mượt, chắc và đủ gluten để mình có thể tiến hành các bước còn lại, S&F đàng hoàng.

Và 3 dough khác, nướng trong cái chảo gang size 16 rất nhỏ. Bánh nướng chảo gang vỏ dày hơn, nhưng giòn hơn.

Mình s&f 2 lần, cách nhau 1h rồi để ferment vừa đạt là shape luôn, bỏ qua preshape vì đổi ý, không muốn làm ổ lớn mà thích 1 khay bánh tròn nhỏ xíu xíu để ăn với mứt mơ homemade em Hiếu bên page Táo mèo mommy gửi. Bánh nhỏ, shape nhanh, và giữ form tốt nên không cần preshape. Proof nhiệt phòng rồi nướng luôn. Tổng thời gian chắc hết tầm 6h. Nhanh, gọn, và ngon. Không khai báo thì kg ai biết mấy ổ bánh xinh xẻo ngon nghẻ này là bánh làm lại từ 1 dough bột nát.

Mứt mơ Tây bắc của em Hiếu Trần, bên page Táo Mèo’s Mommy gửi, rất rất ngon. Ăn với SD bread cực kỳ hợp.

Chúc cả nhà mình cả tuần bếp thơm mùi bánh, và không ai phải dùng đến mấy cái cách cứu chữa bột hỏng, bột nát lôi thôi nhen. 😁😁