Bánh chuối vị xưa

11C

Hồi trước, cứ sau Rằm hay mồng Một chừng một tuần là mẹ lại xin nải chuối chín xuống làm bánh chuối chiên cho cả nhà cùng thưởng thức. Hồi đó, mua bột mì rất khó. Muốn bánh chuối thơm ngon, ăn dòn mà không chai cứng thì phải mua cho được bột mì số 8, gọi là bột trái lê, vì có nhãn hiệu quả lê trên bao bì. Rồi phải “này” lại được một ít bột nổi chỉ có trong lò bánh mì. Thêm quả trứng gà, một ít đường, muối, vani … Tất cả qua bàn tay khéo léo của mẹ để buổi chiều đông đi học về, đứa nào cũng căng phồng mũi hít hà từ ngoài ngõ mùi bánh chuối thơm lừng …

Bây giờ làm bánh chuối dễ hơn nhiều, vì cái gì cũng đã được trộn sẵn, lại có luôn liều lượng, cân đong đo đếm rất chính xác. Chỉ cần ra bất kỳ hàng đồ khô nào hỏi mua một túi bột làm bánh chuối là người ta bán cho ngay. Về chỉ cần trộn thêm ít đường nếu muốn ăn ngọt, thêm chút muối nếu muốn có vị đậm đà, hoặc gọt thêm vào ít khoai lang nếu muốn miếng bánh chuối có vị bùi bùi hòa lẫn. Vậy thôi, chuối lột vỏ, bổ đôi theo chiều dọc. Bột hòa với nước, đánh nhuyễn theo liều lượng chỉ dẫn in trên bao bì. Cho chuối vào bột, rồi múc từng muỗng bột – chuối cho vào chảo dầu đang nóng sôi, đợi miếng bánh chuối vàng nhẹ thì trở mặt bánh để bánh chín đều. Nhiều người cầu kỳ, có thể chiên chuối hai lần – tức là bánh chín, vớt ra, đợi nguội lại cho vào chảo chiên lần nữa – để bánh dòn lâu, hoặc cho vào bột ít bột màu đỏ thực phẩm để khi sau khi chiên chín, bánh sẽ “lên màu” cho thêm phần bắt mắt.

Mình không thích pha thêm trứng vào bột, vì bánh sẽ xốp quá, ăn mau ngán. Cũng không thích cho thêm sữa, khoai lang, bắp ngô hay bất cứ phụ liệu gì vào vì mình muốn miếng bánh chuối khi cắn vào phải “nghe” được cái ngọt ngào của chuối chín, cái thơm thơm của bột, chút vị mặn của muối và cái dìu dịu thanh thanh của xíu đường như ngày xưa mẹ vẫn thường làm. Bây giờ, nếu có thời gian, mình hay ngâm chuối trong bột đã pha chừng 2 tiếng mới chiên. Làm vậy, vị ngọt và hương thơm trong chuối chín sẽ thấm đều ra miếng bột, dù không trộn nhiều đường thì lát bánh vẫn ngọt ngào, ăn rất thích …

Hôm qua dọn dẹp, thấy nải chuối chín rục trong góc tủ. Tự nhiên muốn làm ít bánh chuối … Làm, để có cảm giác được quyến luyến chăm chút yêu thương, chứ bây giờ đâu có thấy đói, thấy thèm miếng bánh như ngày xưa nữa …

Canh chân giò hầm măng tươi

canh chân giò hầm măng 5

Mình không thích chân giò nhưng lại thích ăn măng vì măng nhiều có chất xơ, không sợ ăn nhiều tăng bột tăng béo gì mà lại ngon miệng. Ấy thế mà ngày trở trời mình luôn nghe mẹ nhắc tránh ăn măng, nó dễ làm nhức mỏi, đau lưng, không tốt cho người hay đau xương đau khớp như mình. Không biết kinh nghiệm dân gian như vậy có đúng không, chỉ nhớ ngày xưa sau vườn nhà dì có một bụi măng mạnh tông. Mỗi lần sắp bão, dì vẫn gọi mình đi bẻ bớt những mụt măng mang vào vì sợ mưa to làm gãy măng, không ăn được thì phí. Còn mình, mình hay nhớ tiếng kẽo kẹt của thân măng mẹ trong cơn bão bị uốn cong, xoắn ghì … nghe thương lắm …

Chiều qua, tự nhiên đang ăn cơm nghe con nói lâu rồi mẹ không hầm măng với chân giò cho con ăn, con thèm lắm … nhìn lại mâm cơm mới thấy dạo này mình toàn làm món mặn, nấu một lần ăn 3 bữa, tội con quá … Thôi tranh thủ lúc bớt việc, ghé chợ mua ít chân giò và túi măng tươi đổi món cho con …

 canh chân giò hầm măng 3

Lần này chỉ mua chân giò phần nạc, chỗ có ống xương to cho con còn hút tủy chứ không mua chân giò có khoanh da và mỡ bao quanh. Ăn nhiều mỡ không tốt, dù nhìn ngon mắt và ăn thì quá ư ngon miệng … ^^

Với 500gr chân giò, mua thêm 2 gói măng tươi đông lạnh loại 150gr là vừa. Thêm ít hành lá để còn có “dụng cụ trực quan” mà giải thích cho con vì sao ông bà mình lại bảo “con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi …” như đã hứa …

Canh măng cần thời gian chứ dễ nấu. Chỉ nhớ để măng không bị đắng, trước khi nấu với giò heo nên luộc trước măng với ít muối rồi xả lại nhiều lần qua nước lạnh. Chân giò sơ chế sạch sẽ, luộc với nước chừng 15p cho ra nước bẩn thì vớt ra, rửa sạch rồi cho qua nồi mới, ướp chân giò với chút tiêu, bột nêm, bột ngọt và đầu hành đập một lúc cho ngấm gia vị. Sau đó cho nồi chân giò lên bếp, đun lửa lớn cho chân giò săn lại cạn nước thì châm thêm 1,5 lít nước sôi, bỏ vào 3 củ hành tím nướng sơ, hạ nhỏ lửa, đun liu riu cho tới khi thịt chân giò hơi mềm thì cho măng vào nấu cùng chừng 20 phút nữa là canh măng vừa ngon.

Nêm lại gia vị, thêm chút đường, tiêu và cho hành lá lên trên, ăn nóng.

 canh chân giò hầm măng 4

Ps: chụp hình với đèn vàng khó quá, đứng phía nào cũng thấy bóng đổ rất lớn, chỉ có điều mình đang thích màu sắc có gam đỏ vàng ấm áp nên chụp thử xem sao để còn học hỏi …

Sương sáo hạt é

sương sáo hạt é

Đọc tài liệu, thấy theo sách đông y thì sương sáo có tính mát, giúp giải nhiệt, hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp, đái tháo đường, viêm gan … Vì vậy vào mùa nóng, đi ngoài đường ta hay thấy mấy quán chè – nước giải khát bán bán sương sáo hột lựu, sương sáo đười ươi, sương sáo mủ trôm hay sương sáo trái cây … rất đa dạng. Đây là món thức uống thích hợp với cả người già, trẻ nhỏ. Nhưng vấn đề là ăn uống ngoài đường hay mất vệ sinh; thêm nữa là quán thường nấu ngọt quá, lại hay có thêm nước cốt dừa, kem … ăn rất dễ mập, mất tác dụng giải nhiệt của sương sáo. Nghĩ chịu khó nấu một chút, vừa có món giải khát, vừa vui nên vào siêu thị mua liền mấy gói Sương sáo hột é của Thuận Phát về làm.

Cách nấu rất dễ, đơn giản là cắt miệng gói Sương sáo, lấy gói hột é đổ vào tô to, cho nước sôi để nguội ngập chừng ½ tô, khuấy đều, chao nhẹ rồi đổ đi (coi như rửa hạt é cho sạch ). Đổ nước lần 2, lần này cho nước đến gần miệng tô và để yên chừng 15-20 phút cho hột é tự nở bung ra.

Hạt é nở bung trong nước
Hạt é nở bung trong nước

Lấy nồi sạch, cho 800 ml nước vào nồi sau đó cho hết gói bột sương sáo vào, dùng vá khuấy đều tay một lúc cho bột ngấm nước, nở đều, không vón cục.

pha bột sương sáo
pha bột sương sáo

Bắt nồi nước sương sáo lên bếp, để lửa vừa, khuấy liên tục cho bột không bết dính đáy nồi hoặc nổi óc trâu. Chờ sương sáo sôi chừng 5 phút, thấy đặc lại thì nhắc xuống, đổ ra tô, đĩa, khay hoặc để nguyên trong nồi, ngâm nước lạnh cho sương sáo mau nguội. Cắt khối thạch sương sáo thành những miếng vuông, dài, hay theo hình dạng tùy ý.

Cho lên bếp, khuấy đều tay, nấu đến lúc đặc sánh.
Cho lên bếp, khuấy đều tay, nấu đến lúc đặc sánh.

Cho 500gr đường phèn vào 0,5 lít nước, nấu trên bếp cho đến khi nước đường tan hết và có độ sánh thì tắt bếp. Lấy ống dầu chuối (có sẵn trong gói sương sáo) cho vào nước đường khuấy đều.

đổ sương sáo ra tô, chờ nguội.
đổ sương sáo ra tô, chờ nguội.

Múc sương sáo, hạt é, nước đường vào ly (độ ngọt tùy chỉnh), thêm đá viên và thưởng thức.

sương sáo hạt é 1

sương sáo hạt é 4

Nham Gò Công

Nham là món gì? Sao lại gọi nó là “Nham”?

Ảnh
Hình minh họa: Internet

“Theo tìm hiểu, nói đến Gò Công – vùng đất nằm dọc theo sông Tiền, đổ ra biển – thì phải nhắc đến sự nổi tiếng nổi tiếng của món mắm tôm chà do bà Từ Dũ tiến cống cung đình, dùng nấu cho nhà vua ngự thiện. Cùng với mắm tôm chà nổi tiếng, đặc điểm thổ nhưỡng của vùng nước lợ cho Gò Công nhiều sản vật: Nghêu, sò, tôm, cua… đặc biệt là cua gạch non tuyệt hảo. Do đó, nhân dân đã chế biến được món “Nham Gò Công” một cách tài tình, khéo léo.

Nham Gò Công thật ra là một món gỏi gồm thịt heo ba chỉ luộc cắt nhỏ, trộn với chuối khế với chỉ một thứ rau dấp cá (diếp cá, giấp cá) cùng nạc cua, gạch cua của một loại cua ở Gò Công. Loại cua này có mùi ngai ngái như rong biển lẫn mùi nồng nồng rất đặc biệt nên nhiều người cho là khó ăn. Thêm nữa, món nham lại dùng rau dấp cá là loại rau có vị chua nhẹ và tanh mùi cá làm rau chính để trộn gỏi nên không phải ai cũng ăn được. Nhưng chính sự pha trộn hai loại thực phẩm có mùi vị rất đặc trưng này đã làm cho món nham Gò Công trở thành là một món ăn có mùi vị rất độc đáo.

Tuy nhiên, nếu bạn là người “biết ăn” rau dấp cá thì Nham Gò Công là một món ăn thật sự hấp dẫn, không chỉ bởi mùi thơm đặc trưng của lá diếp cá mà còn bởi đây là món ăn vị thuốc dân gian vừa dùng để giảm cân, vừa tốt cho người bị trĩ, đau bao tử và giản tĩnh mạch.”

Và những phần chữ in nghiêng bên trên chính là những thông tin tôi tìm được trên internet để giải đáp thắc mắc “nham” là món gì. Hóa ra, theo người miền Tây, “nham” là gỏi của miền Nam, hoặc nộm của miền Bắc. đơn giản vậy thôi. Và Nham Gò Công là món gỏi diếp cá, cua thịt trứ danh của người Gò Công. Hôm học và làm thử món này, tôi thấy ngon. Diếp cá, chuối chát, khế chua, thịt heo, gạch tôm hòa quyện với nhau thành món ăn rất hấp dẫn. Tất nhiên, là chỉ hấp dẫn với ai ăn được rau diếp cá … như tôi thôi. (cười)

Còn đây là cách làm món Nham Gò Công tôi đã được hướng dẫn ở nhà văn hóa Phụ Nữ

Nguyên liệu:

– Rau diếp cá: 500 gram
– Thịt đùi heo: 500 gram
– Thịt cua rỉa: 500 gram
– Dưa leo: 2 quả vừa ăn
– Cà rốt bào sợi: 1 củ (dùng nếu thích)
– Chuối chát: 3 trái
– Khế chua: 3 trái
– Hành tây: 2 củ
– Ớt sừng đỏ: 3 trái
– Gia vị: chanh, đường, muối, nước mắm, tiêu, tỏi, hạt nêm
– Dùng kèm: Bánh phồng tôm

Cách làm:

Ảnh

1. Thịt cua dù đã chín cũng phải xào lại cho thơm. Cho chảo nóng, thêm một ít dầu ăn để phi thơm tỏi, cho tiếp cua vào, thêm hạt nêm, đường, ớt đảo nhanh tay.

2. Thịt đùi heo rửa sạch, để ráo. Thay vì luộc thịt heo, ta phi tỏi với dầu ăn sau đó cho thịt vào + 1 muỗng nước mắm + một chút bột ngọt. Đậy nắp lại, để lửa nhỏ cho thịt chín. Vớt thịt ra đĩa, chờ nguội, xắt lát mỏng vừa ăn.

3. Khế gọt cạnh, chuối chát bỏ vỏ. Dùng dao bào mỏng khế và chuối chát. Pha một thố nước sạch hòa thêm chút dấm hoặc cho vào chút muối để ngâm khế, chuối chát vào cho khỏi bị thâm đen. Dưa leo, cà rốt bào sợi, ngâm dấm đường. Hành củ xắt mỏng, ngâm vào nước đá.

4. Làm nước mắm trộn gỏi: nấu nước mắm và đường với tỷ lệ 1 bát nước mắm, 2 bát đường hoặc làm theo công thức 3 chanh – 6 đường – 3 nước mắm. Khi đường tan tắt bếp, không để nước mắm sôi. Cho nước mắm đường ra chén, thêm một ít nước cốt chanh (không cho nhiều vì khế đã chua). Cho thêm ớt tỏi bằm và tiêu bột vào nước mắm, quậy đều.

5. Cho rau diếp cá vào thố, vò cho hơi dập (không vò nát như rau ngót). Cho tiếp thịt heo, thịt cua, dưa leo, cà rốt, hành củ, chuối chát và khế trộn cùng diếp cá. Rưới nước mắm trộn gỏi lên hỗn hợp trong thố, trộn đều.

6. Cho gỏi ra đĩa, trang trí.

Ảnh

Ảnh

Món này dùng làm món chính để ăn giảm cân hoặc là món khai vị trong bữa tiệc. Khi ăn, dùng kèm Nham Gò Công với bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm chiên giòn.

Làm sạch dụng cụ làm bánh

Làm bánh là niềm đam mê của bạn. Nhưng sau mỗi lần làm bánh, công đoạn sau cùng là làm sạch tất cả dụng cụ luôn khiến bạn ngại nhất. Bạn không thể tráng sạch được các vết kem bám dính bên trong đui hay khay nướng, khuôn bánh dính quá nhiều vết ố… Những vết bẩn làm bạn khó chịu khi nhìn bộ dụng cụ của mình không được sạch sẽ ? Thử áp dụng những mẹo vặt này xem có khiến chúng trắng sáng lên không nhé !

Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh.

Hãy bắt đầu với các loại đui:

meo 1 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

meo 2 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Sử dụng một chiếc tăm chọc vào đui để lấy hết các phần bơ hoặc icing còn bám bên trong.

meo 3 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Ngâm tất cả đui trong một chậu nước đã pha nước rửa bát, dùng tay đảo nhẹ để loại bỏ bớt chất bẩn, xả lại với nước, bạn cũng đừng quá lo lắng về việc những chiếc đui chưa được làm sạch 100%.

 

meo 4 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Cho đui vào một nồi nước, thêm một chút dấm trắng để tăng hiệu quả làm sạch và đun sôi trong khoảng 5 phút.

meo 5 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Chắt bỏ nước, xả lại đui dưới vòi nước chảy, và hãy để cho những chiếc đui được khô ráo trước khi cất vào vị trí quy định.

Với khay nướng và khuôn cupcake:

meo 6 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Những gì các bạn cần chỉ là 1 miếng rửa bát, bột baking soda và nước ô xy già (hydro peroxide).

meo 7 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Chỉ cần kết hợp 2 thành phần là baking soda và nước ô xi già với nhau ta sẽ có được hỗn hợp dạng sệt.

meo 8 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Dùng một miếng rửa bát thấm hỗn hợp đó và chà xát những vết ố lâu ngày hay phần cháy bám dính trên khay nướng.

meo 10 3f5ea Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Chiếc khuôn cupcake này đã được sử dụng liên tục trong vài tuần với rất nhiều vết cháy, và chủ nhân của nó thậm chí chẳng cần tốn quá nhiều sức để cọ rửa vì nó đã được làm sạch một cách rất nhẹ nhàng nhờ bí quyết trên.

Với khuôn bánh mì cũ bằng thiếc:

Đôi khi, mua bánh mì ngoài tiệm không “thú” bằng việc có một chiếc khuôn bánh cũ và tự nướng bánh mì tại nhà. Rất nhiều người đang tìm đến những chiếc khuôn bánh mới chỉ vì đơn giản là họ không biết cách làm sạch những chiếc khuôn cũ, vì trông chúng thật xấu xí. Với cách làm sạch vô cùng dễ dàng này, bạn có thể tiếp tục dùng những chiếc khuôn cũ – vật dụng đã từng giúp bạn cho ra lò những mẻ bánh ngon.

meo 11 dfff8 Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Những gì bạn cần gồm: bột baking soda, nước, miếng rửa bát, dầu ô liu. Đầu tiên bạn rửa khuôn với nước. Rắc một lớp mỏng bột baking soda lên, baking soda sẽ nhanh chóng thấm hút vào phần nước còn đọng lại trên khuôn.

meo 12 dfff8 Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Đợi khoảng nửa giờ, dùng miếng rửa bát cọ nhẹ nhàng, bạn sẽ thấy lộ ra lớp kim loại bên dưới sáng bóng.

meo 13 dfff8 Mẹo đơn giản làm sạch bong dụng cụ làm bánh

Rửa sạch khuôn để loại bỏ sạch sẽ baking soda và lau khô. Để đảm bảo khuôn của bạn không bị rỉ sét thì cần thấm một chút dầu ô liu lên khăn giấy hoặc mảnh vải sạch, thoa toàn bộ xung quanh khuôn. Vậy là chiếc khuôn đã sẵn sàng cho những mẻ bánh mới.

(Nguồn bài viết: Sưu tầm qua google search)